
Emmanuelle Béart, gương mặt của điện ảnh Pháp, cùng đạo diễn Fabien Onteniente của bộ phim mới nhất cô thủ vai (Điệu nhảy Disco), nhà sản xuất đồng thời là Phó Chủ tịch Unifrance Eric Névé và các nhà hoạt động chuyên môn của điện ảnh Pháp ngày 20-10 đã có mặt tại Hà Nội để tham dự buổi chiếu khai mạc chương trình “Toàn cảnh điện ảnh Pháp” lần thứ 2. Sáng cùng ngày, Emmanuelle Béart đã có cuộc gặp gỡ báo chí VN trong nhà vườn của Đại sứ quán Pháp.
Ngôi sao điện ảnh Pháp Emmanuelle Béart chia sẻ: Tôi hết sức vui mừng lại được hòa mình vào cuộc sống, dù chỉ là vài ngày ngắn ngủi, tại một đất nước mà tôi vô cùng yêu mến. Đây là lần thứ 2 đến Việt Nam, tôi cảm thấy vinh hạnh và xúc động. Năm 2001 tôi đến Việt Nam với tư cách là đại sứ của UNICEF. Lần đó, tôi đã ở đất nước các bạn 3 tuần và được đi từ cực Bắc tới cực Nam của đất nước các bạn. Lần này tham gia phái đoàn điện ảnh Pháp, tham dự chương trình “Toàn cảnh điện ảnh” Pháp tại Việt Nam.
- Phóng viên: Lần này đến Việt Nam với tư cách của một người làm điện ảnh, chị sẽ đem tới cho “Toàn cảnh điện ảnh Pháp” nhiều màu sắc mới?
Diễn viên EMMANUELLE BÉART: 6 tác phẩm điện ảnh chúng tôi giới thiệu tới khán giả Việt Nam lần này là những sản phẩm mới nhất và tạo ra những dư luận “nóng bỏng” nhất ngay tại nước Pháp. Trong đó có 3 phim hài, thể loại phim thế mạnh của điện ảnh Pháp, vì thế tôi tin rằng khán giả sẽ thấy xúc động, tò mò, thích thú khi xem những bộ phim này. Cũng như các đồng nghiệp của mình, đến với “Toàn cảnh điện ảnh Pháp” hy vọng lớn nhất của tôi là giúp khán giả Việt Nam biết nhiều hơn đến điện ảnh Pháp, một nền điện ảnh khá phong phú và có bản sắc chứ không chỉ dừng lại với những thông tin về điện ảnh Mỹ hay Hàn Quốc mà các bạn thường xem. Phải công nhận các nước này đã có hệ thống phát hành rất tốt để thu hút khán giả Việt Nam. Song trong thời điểm này, khi mà nền điện ảnh của các bạn đang lớn mạnh và trên đà phát triển, chúng tôi cũng không bỏ lỡ thời cơ để đưa điện ảnh Pháp đến với khán giả Việt Nam.
- Chị đã có dịp xem phim của Việt Nam. Bộ phim nào gây cho chị ấn tượng mạnh nhất?
Tôi cũng như khán giả Pháp có dịp xem một số phim Việt Nam và rất ấn tượng với “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Với “Ba mùa” của Tony Bùi, tôi cũng có nhiều xúc cảm và cảm thấy có tâm hồn Việt trong đó. Việt Nam có thế mạnh ở điện ảnh tài liệu, tôi không thể nhớ được tên một số phim đã xem nhưng chúng gây ấn tượng với tôi.
- Cái tên Emmanuelle Béart thường được yêu mến với các vai thuộc thể loại phim bi kịch ở Pháp. Vì lý do gì chị đồng ý tham gia phim hài “Vũ điệu Disco”?
Điện ảnh Pháp thường quy diễn viên vào “hộp” theo kiểu các vai bi hoặc hài. Nhưng như tôi đã nói, tôi thích đa dạng văn hóa. Song cũng phải thú thật rằng đạo diễn Fabien Onteniente đã mạo hiểm khi mời tôi vào phim này. Tôi cũng cảm ơn ông ấy về sự mạo hiểm đưa tôi vào cuộc phiêu lưu. Tôi cho rằng, quan trọng nhất là khâu kịch bản, là cách nhìn của tác giả hay nhà biên kịch, bắt tay với họ cũng có nghĩa là khám phá họ. Tôi muốn có cơ hội làm việc với nhiều nền điện ảnh, tác giả, đạo diễn. Kể cả với những người trẻ nhưng nếu cách nhìn của họ, dự án của họ hay, tôi sẵn sàng hợp tác.
- Và việc tham gia “Vũ điệu Disco” cũng là một thử thách?
Trong phim này, tôi không chỉ vào vai một người nhảy đẹp mà còn là một vũ sư, vì thế, với một người đãõ nhiều năm không “nhún nhảy” như tôi cũng mất khá nhiều thời gian luyện tập. Khi nhận lời đóng vai này tôi đã phải tập nhảy 1 tiếng rưỡi mỗi ngày trong 2 tháng trời. Có lần tập nhiều quá, khi quay tôi bị va vào gương, choáng váng, ngã lăn ra và bị bong gân.
May mắn thay, mọi việc đã trôi qua và vai diễn của tôi rất ổn. Song nó vẫn chưa phải là kỷ lục bởi lẽ, khi vào vai người chơi violon trong bộ phim “Trái tim băng giá”, tôi đã mất hơn một năm trời để luyện đàn, mỗi ngày 1 tiếng rưỡi. Với tôi, giai đoạn chuẩn bị tham gia đóng phim rất quan trọng, đây là giai đoạn thể hiện sự chuyên nghiệp của người diễn. Và tôi tin khán giả sẽ thích thú với vai diễn đó.
- Cảm ơn chị!
Vĩnh Xuân (ghi)