Các khu vui chơi giải trí, nơi đóng cửa, nơi duy trì trong cảnh phập phồng; nhà hát, sân khấu, rạp phim tạm ngưng hoạt động; đường sách vắng lặng, nhà sách lèo tèo người xem… Chưa bao giờ, ngành văn hóa - nghệ thuật TPHCM lại gặp phải nhiều thử thách đến vậy.
Trong gian nan càng thấm tình người. Một cô bé du học sinh từ Pháp về nước, trong khu cách ly tập trung, nhắn gửi mẹ mình là một cô giáo, rằng: “Mẹ có gửi đồ tiếp tế thì không cần gửi gì đâu, chỉ cần gửi con vài cuốn sách”. Câu chuyện mà người mẹ giáo viên chia sẻ trên một diễn đàn có lẽ đem đến nhiều điều an ủi không chỉ cho những người làm văn hóa. Trong khó khăn, không chỉ có khẩu trang hay nước rửa tay diệt khuẩn, sách cũng là một lựa chọn tự nhiên, không hề ép buộc…
Rồi thông tin về một lớp dạy hát bội có cái tên thật giản dị “Đường vào hát bội”, vẫn cố gắng duy trì khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có lẽ là một tin vui hơn là lo lắng. Lớp học chỉ ít người, từ mục đích truyền dạy kinh nghiệm cho lớp trẻ TPHCM yêu thích nghệ thuật hát bội, cũng như đào tạo khán giả cho loại hình sân khấu kén người nghe của NSƯT Ngọc Khanh. Cũng về sân khấu, các vở diễn tạm ngưng, nhưng nghệ sĩ vẫn tập luyện cho các vở mới, chia theo từng nhóm nhỏ, như cách làm của sân khấu Thế Giới Trẻ những ngày qua. Trong khi đó, để nghệ sĩ duy trì cuộc sống trong những ngày tạm đóng cửa, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần vẫn cố gắng trả lương đầy đủ cho nghệ sĩ và nhân viên.
Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, không nhiều người đi mua sách, dạo đường sách, quan tâm đến quyển sách nào sắp sửa ra mắt hay đơn giản hơn là chọn cho mình nơi để “tĩnh tâm đọc sách”. Thông tin từ các nhà xuất bản và công ty sách không mấy khả quan, doanh thu từ sách sụt giảm từ 30%-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đơn vị tìm cách xoay xở, và cũng như nhiều mặt hàng khác, “bán sách online” là lựa chọn hợp lý hơn cả. Một số nơi chuyển hướng qua ebook; cũng giống như nhiều nhà phát hành phim, chọn cách đưa phim đến người xem qua các nền tảng trực tuyến có trả tiền hay miễn phí. Một “thị trường ngầm” khác vẫn sôi động bất chấp dịch bệnh, như Tiki - trang mua sắm trực tuyến - cả tháng nay hoạt động sôi nổi. Bên cạnh những mặt hàng thiết yếu, thì sách cũng là sự lựa chọn của nhiều gia đình.
Cũng trong lúc này, những người làm văn hóa, ngoài việc chờ đến khi dịch bệnh được khống chế, để được làm nghề thuận lợi, họ còn mong được hỗ trợ. Chẳng ai muốn mãi kể khổ, kể khó để chờ đợi được giúp đỡ. Các sân khấu xã hội hóa, dù thiếu sự tiếp sức bấy lâu nay vẫn sống được đấy thôi, dù rất gian nan. Nhưng liệu khi dịch bệnh được khống chế tốt, các hoạt động văn hóa - giải trí trở lại, còn được mấy người đến với sân khấu, bao nhiêu người tìm đến nhà sách để chọn một cuốn sách cho mình. Không chỉ tiếp sức cho văn hóa thời điểm này mà còn phải tính luôn cho thời kỳ “hậu dịch bệnh”. Đó không chỉ cần sự hỗ trợ của ngành mà còn cần cả những chủ trương lớn của TPHCM.
Sân khấu luôn muốn có nhà hát để biểu diễn; nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật truyền thống mong sống được với nghề, và người làm sách thì luôn hy vọng dẹp bỏ nạn sách giả, sách lậu... Nhưng ở thời điểm này, để các loại hình văn hóa - nghệ thuật “sống sót” được sau dịch bệnh, những mong muốn, đề xuất còn cấp thiết hơn nữa. Nhiều đề xuất đến từ các đơn vị làm văn hóa: Miễn giảm hay hoãn nộp thuế; hỗ trợ vay vốn để các đơn vị ứng lương cho người lao động; giảm bớt các thủ tục xin phép - cấp phép, chuyển dần sang sử dụng ứng dụng công nghệ thông minh để giảm chi phí cho các đơn vị làm văn hóa…
Trong cơn lốc dịch Covid-19, sự lo âu hiện rõ trên những khuôn mặt mọi người, ở mỗi gia đình. Trong lúc này, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật phải tạm ngưng là điều không ai mong muốn, nhưng người làm ra sản phẩm văn hóa vẫn luôn cố gắng chuẩn bị và cho ra mắt các sản phẩm mới. Vì, nói như một người làm sách: Càng trong khủng hoảng thì chúng ta càng phải đọc và khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn. Điều này cần lắm, nhất là vào lúc này!