Ô nhiễm ven biển

Trong mấy ngày qua bờ biển tỉnh Hà Tĩnh chứng kiến hai sự cố mà tác nhân chủ yếu đến từ ô nhiễm môi trường ven bờ biển. Từ ngày 2-3, hơn 50ha nghêu thương phẩm vùng bờ biển bãi ngang hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên chết rạt đến gần 90% chưa có biện pháp khắc phục hậu quả thì ngay sau đó sò lông, ốc hương tự nhiên chết theo sóng biển tấp vào đầy nghẹt bờ cát ven bờ huyện Kỳ Anh, dọn không xuể.

Hiện tượng sinh vật biển ven bờ chết hàng loạt từng nhiều lần xuất hiện ở các tỉnh ven biển của Việt Nam như hiện tượng thủy triều đỏ - loài vi tảo biển gây hại tiềm năng với mật độ hơn 2 x 104 tế bào/lít - xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển Nam Trung bộ. Thủy triều đỏ làm chết nhiều chủng loại thủy sản ven bờ; có năm hơn 30km bãi biển từ Cà Ná (Ninh Thuận) đến Long Hương (Vũng Tàu) đầy những lớp nhầy màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối. Một tình trạng ô nhiễm phổ biến khác là chất thải từ dầu nhớt tàu thuyền ven bờ. Như ở cảng cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, nơi thường xuyên là chỗ neo đậu của hàng ngàn tàu cá từ nhiều vùng, miền khác nhau. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở đây do cặn dầu của những con tàu “vô tư” xả ra đen đặc một vùng rộng lớn. Nơi đây cũng liên tục xảy ra sự cố ô nhiễm dầu làm hàng trăm hécta nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, nên nhiều hộ buộc phải bỏ nghề.

Dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển, thuận lợi cho việc phát triển du lịch, trong đó, hơn 30 bãi biển đã được đầu tư và khai thác. Nhưng trong vài năm trở lại đây, tại vùng biển Nam Trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, ven bờ biển xuất hiện các lớp nhầy màu xám đen dày cả gang tay, trộn với xác chết của sinh vật, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tại Bình Thuận, chất thải từ đất liền theo 7 dòng sông lớn đổ ra biển rồi bị sóng đánh tấp vào bờ gây ô nhiễm các bãi tắm, khu du lịch. Đặc biệt, tại vịnh Phan Thiết, chất thải từ sông Cà Ty và sông Cái đổ ra ứ đọng dài ngày với nhiều loại rác sinh hoạt, sản xuất, chế biến thủy sản. Bãi biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế) đang dần trở thành một “bãi rác” lớn. Dọc bãi biển có rất nhiều các loại rác thải, từ túi nilon, bao bì, vỏ bánh kẹo đến vỏ hoa quả, hộp sữa… gây ấn tượng không tốt cho du khách đến tham quan. Nhân Trạch cũng là xã biển đất chật người đông của huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Người dân ở đây có thói quen “sống trên cát, rác vùi trong cát” hoặc sử dụng bờ biển làm bãi rác để rồi sau mỗi trận mưa gió cả một vùng dân cư rộng lớn ngập tràn rác. Dòng sông Dinh chảy ngang qua xã (đoạn sát cửa biển) rác trôi lềnh bềnh, từng con sóng vỗ bờ mang theo hàng loạt rác tấp vào bờ cát…

Như vậy, hiện nay hầu như địa phương nào cũng xảy ra tình trạng môi trường ven bờ biển bị ô nhiễm ở cấp độ ngày càng nghiêm trọng với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tựu trung chủ yếu do tác nhân trực tiếp từ đất liền. Khi biển trở thành túi đựng của đủ các loại rác thải sinh hoạt, du lịch, rác và nước thải công nghiệp… trong lúc hầu hết rừng ngập mặn, rừng trồng chắn sóng, chắn gió ven biển đã biến mất với tốc độ chóng mặt do khai thác ti tan, khai thác cát, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch tràn lan… thì môi trường sinh thái biển có khả năng ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng không phải ở thì tương lai nữa mà đang hiển hiện mỗi ngày, mỗi giờ trong thực tế.

TRẦN KHA

Tin cùng chuyên mục