°Hơn 100 tỷ đồng thưởng tết cho CB-CNV toàn hệ thống công ty
Kết thúc năm 2011, Công ty CP Hùng Vương (HVG) dự kiến đạt doanh số 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 550 tỷ, đóng góp 15% doanh số xuất khẩu cá tra Việt Nam (240 triệu USD). Năm 2012, HVG đang đề ra mục tiêu dẫn đầu ngành XK cá tra và tiến sâu vào mảng nuôi trồng – chế biến và xuất khẩu tôm giống với mục tiêu doanh số đạt 10.000 tỷ đồng, doanh số xuất khẩu đạt 300 triệu USD. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: Tổng giá trị tài sản thực tế do HVG sở hữu là hơn 2.000 tỷ đồng, vượt nhiều con số 1.300 tỷ đồng giá trị doanh nghiệp quy ra theo trị giá trên thị trường chứng khoán.
° Cả nền kinh tế đang đứng trước tháng cuối cùng của năm 2011. Nhìn chặng đường đã qua, ông có cho rằng 2011 tiếp tục là năm thành công cho ngành xuất khẩu cá tra nói chung và thương hiệu HVG nói riêng?
- Phải nói năm 2011 là năm khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát gia tăng và việc thắt chặt tín dụng. Bên cạnh đó là những tác động không tốt từ tình hình suy thoái kinh tế nhất là khu vực châu Âu và Mỹ, Nhật làm ảnh hưởng ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Mặc dù vậy, biểu đồ tăng trưởng của mặt hàng cá xuất khẩu vẫn đi lên ổn định bất chấp khó khăn và được xem là ngành có sự tăng trưởng mang tính chất đột biến trong vòng 10 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 2011 dự kiến cán mốc 1,6 tỷ USD trong khi kế hoạch chỉ là 1,2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xuất khẩu cá tra tăng 5%, giá bán tăng 26%, là một điểm sáng phấn đấu cho ngành chế biến thủy sản trong thời gian tới.
Nhiều nhà kinh tế đã thống nhất quan điểm năm tài chính 2011 rất quan trọng và được xem là năm bản lề để phát triển. Riêng Hùng Vương đã nhìn thấy và chuẩn bị từ năm 2009 – 2010, chính vì vậy năm 2011 đã chủ động tạo nguồn nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho hơn 12.000 công nhân và đóng góp hơn 240 triệu USD trong tổng số kim ngạch xuất khẩu 1,6 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2011, công ty đã hoàn thành và vượt 10% kế hoạch cả năm với doanh số 6.700 tỷ và lợi nhuận trên 490 tỷ. Mục tiêu mới của năm 2011, HVG đang hướng đến các mốc mới, doanh số đạt trên 8.000 tỷ và lợi nhuận đạt trên 550 tỷ.
° Với việc chính thức tham gia việc sản xuất – chế biến – xuất khẩu tôm, ông có thể chia sẻ thêm những nét chính trong chiến lược phát triển của HVG trong năm 2012?
- Trong định hướng phát triển năm 2012, HVG sẽ phát triển thêm 3 mặt hàng chính: SX tôm giống, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và nuôi trồng. Riêng trại tôm giống Ninh Thuận trong tháng 11-2011 đã bắt đầu cung ứng tôm giống cho thị trường. Định hướng của HVG trong năm 2012, trại tôm giống này sẽ phục vụ cho vùng nuôi của công ty và cung cấp cho thị trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khoảng 3 tỷ con giống. Hùng Vương cũng đang tiếp tục đầu tư 200 tỷ đồng xây dựng 1 trại tôm giống với quy mô 10.000 tôm bố mẹ và 10 tỷ con giống cũng tại Ninh Thuận. Đây là trại giống có quy mô lớn nhất cả nước.
Hiện nay Hùng Vương là đơn vị duy nhất có quy mô đầu tư khép kín trong ngành chế biến thủy sản từ con giống đến chế biến thức ăn và nuôi trồng, xuất khẩu đạt tiêu chuẩn Global GAP. Về khả năng cung ứng con giống, HVG có 2 trại tôm giống tại Ninh Thuận có khả năng cung ứng trên 10 tỷ tôm giống gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Bên cạnh đó, trại cá tra giống của HVG tại Bến Tre được đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, có quy mô 250 triệu con giống mỗi năm. Tôm nhập khẩu được chọn lọc từ nguồn giống khỏe mạnh của vùng biển Hawaii (Mỹ), vốn có khí hậu tương đồng với các vùng nuôi tại nước ta. Cá tra bố mẹ do Viện Nuôi trồng II cung cấp. Ở mảng kinh doanh thức ăn thủy sản, HVG có 2 nhà máy Việt Thắng và Hùng Vương Tây Nam đạt công suất 600.000 tấn/năm đặt tại Đồng Tháp. Công suất của hai nhà máy này chiếm 30% thị phần sản xuất thức ăn thủy sản tại ĐBSCL. Về nuôi trồng, HVG đang sở hữu 1.000 ha nuôi tôm và 500 ha nuôi cá. Dự kiến năm 2012 HVG đạt 20.000 tấn tôm thẻ và sú, 250.000 tấn cá tra để phục vụ cho 9 nhà máy trong hệ thống Hùng Vương tại các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre.
° Một vài số liệu cụ thể cho năm tài chính 2012 của HVG, thưa ông?
- Mục tiêu năm 2012 HVG sẽ đạt mốc doanh số 10.000 tỷ, trong đó doanh số xuất khẩu đạt 300 triệu USD. Trong năm 2012, Công ty Hùng Vương sẽ chủ động 80% nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất và xuất khẩu và đồng thời đã xác định được giá thành SX cả năm 2012 do chủ động được vùng nuôi, con giống và nguồn nguyên liệu trong chế biến thức ăn và ổn định giá thành nuôi trồng cả năm (dao động cộng trừ 5%). Năm 2012, với việc chủ động trong quy trình nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu cá cũng như tôm, HVG có thể cung cấp cho thị trường, kể cả các nhà nhập khẩu phân phối lớn như siêu thị.với giá bán đảm bảo không thay đổi từ 6 tháng đến 12 tháng.
Năm 2012 chủ trương công ty là ổn định sản xuất, tăng nguồn thu cho người lao động qua việc tạo ổn định việc làm và tiếp tục tăng lương theo tình hình kinh tế xã hội trong nước.
° HVG đã làm gì để không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất trong thời gian qua?
- Với việc chủ động trong nuôi trồng – chế biến, tình hình giá nguyên liệu tăng nhưng không tác động nhiều đến công ty mặc dù có thời điểm giá cá tăng trên 28.000 đồng/kg. Giá thành nuôi trồng của công ty hiện nằm trong biên độ 21.000 – 22.000 đồng/kg nên việc sản xuất – kinh doanh của công ty không phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu bên ngoài. Do chủ động được nguồn cung cấp nên đơn giá tiền lương của công nhân tăng hơn 30% so với năm 2010. Cụ thể mức thu nhập bình quân mỗi tháng của CBCNV công ty đã tăng từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng.
° Năm 2011, HVG dành bao nhiêu chi phí cho việc hỗ trợ cộng đồng?
- Về công tác xã hội, cũng theo truyền thống hàng năm, công ty đều có trích phần lợi nhuận cho công tác đền ơn đáp nghĩa, quà tết cho người nghèo, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Bến Tre và những địa phương có nhà máy sản xuất – chế biến của HVG. Tới thời điểm hiện tại, HVG đã chi hơn 10 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, gồm hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ quỹ học bổng; xây dựng hai cây cầu tại huyện Ba Tri (Bến Tre) trị giá hơn 1,5 tỷ đồng; xây dựng 100 căn nhà tình nghĩa tình thương mỗi căn trị giá 35 triệu và 10 căn nhà tình nghĩa mỗi căn trị giá 50 triệu. HVG cũng đang thực hiện chương trình hỗ trợ vốn trung hạn không lấy lãi cho người nghèo tại tỉnh Tiền Giang. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình trị giá 3 tỷ đồng.
Dự kiến năm nay HVG trích hơn 100 tỷ đồng để thưởng tết cho CBCNV trong toàn hệ thống công ty.
° VN Index vào đầu tháng 12-2011 vẫn chưa thể vượt khỏi mốc 400. Theo ông thì giá trị thực của cổ phiếu nói chung và cổ phiếu HVG nằm ở đâu?
- Trong vấn đề thị trường chứng khoán, do tình hình chung về vấn đề vay vốn, mất lòng tin của các nhà đầu tư, do tỷ lệ lạm phát cao, lãi vay cao, nhà đầu tư thiếu sự an tâm trong việc đầu tư vào kênh chứng khoán nên hiện nay toàn bộ giá trị thực không thể hiện đúng khối tài sản và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mất ổn định SXKD tạo mối lo cho việc đầu tư lâu dài và thu hút nguồn vốn. Việc phản ảnh trên thị trường chứng khoán hiện tại gây khó khăn cho các doanh nghiệp có tiềm năng và thực lực trong việc SXKD của mình, đồng thời làm ảnh hưởng giá trị thực của doanh nghiệp. Do vậy, bản thân doanh nghiệp có niêm yết trên thị trường chứng khoán phải tự chứng minh khả năng tài chính thực tế của mình, không thể căn cứ vào giá trị cổ phiếu trên thị trường.
Như HVG tại thời điểm 31-10-2011, giá trị trong vốn tiền mặt, đầu tư trên 2.000 tỷ nhưng ở trên thị trường chứng khoán chỉ có 1.300 tỷ (khoảng 66 triệu cổ phiếu x 20.000 đồng /cổ phiếu). Khi nghĩ đến con số này, thực tế các nhà đầu tư không thể nắm hết tổng trị giá tài sản thực tế khác mà HVG đang sở hữu. Đó là giá trị thương hiệu, 9 nhà máy chế biến, toàn bộ hệ thống đông lạnh, như tài sản tại TPHCM trên 1.000 tỷ, quyền sở hữu trên 1.500 ha đất (riêng chi phí đầu tư để biến đất thành ao nuôi trên 1.000 tỷ), chi phí đầu tư phải hơn 600 tỷ cho quy trình chế biến thức ăn có công suất 600 tấn, trượt giá của tài sản... Cộng thêm với các mối quan hệ trên thị trường kinh doanh – xuất khẩu HVG đã xây dựng suốt 10 năm qua, giá trị thực tế của HVG hiện nay chắc chắn phải vượt qua con số 5.000 tỷ đồng.
Hồng Minh-Minh Tuyết