Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2011 tăng 3,32% so với tháng 3-2011 (tăng tới 9,64% so với tháng 12-2010), là tháng có mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm gần đây. Trong những tháng tới liệu CPI có giảm và làm thế nào kéo giảm được giá cả hàng hóa? PV Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, về những vấn đề này.
* PV: Thưa ông, CPI tháng 4-2011 tăng vọt bắt nguồn từ những yếu tố chủ yếu nào?
* PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: CPI 4 tháng đầu năm 2011 liên tục tăng và tăng cao trong tháng 4 vừa qua là do giá nhiều hàng hóa và nguyên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, ảnh hưởng tới giá hàng nhập khẩu, gây áp lực lên giá hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, những yếu tố bên ngoài nói trên cũng chỉ là thứ yếu. Ảnh hưởng lớn đến CPI vẫn là những nguyên nhân nội tại của nước ta.
Trước hết, đó là những điểm cố hữu của nền kinh tế nước ta như hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, nhất là đầu tư công khi nó chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Dễ thấy hơn là sự tăng giá của nhiều mặt hàng chiến lược như xăng dầu (từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh tăng giá 2 lần: ngày 24-2 và ngày 29-3), điện, than đá… cùng với việc điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD đã làm chi phí sản xuất lẫn chi phí lưu thông hàng hóa bị đẩy lên. Bên cạnh đó, do công tác quản lý giá chưa tốt nên thị trường vẫn còn xảy ra nhiều hiện tượng “té nước theo mưa”, người bán thường dễ dàng đẩy giá hàng hóa lên một cách vô lý.
* Theo PGS-TS, chỉ số lạm phát năm nay của Việt Nam dao động quanh ngưỡng nào?
* Giá đầu vào các mặt hàng cộng với chi phí đẩy vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” mà có xu hướng tăng, diễn biến thị trường thế giới cũng còn phức tạp. Do vậy, lạm phát năm nay khó đạt mốc mà chúng ta đề ra. Theo tôi, mức lạm phát cả năm của nước ta sẽ khoảng 12% - 13%.
* Chúng ta cần chú trọng những giải pháp nào để kiềm chế lạm phát?
* Trước hết cần tiếp tục triển khai thực hiện thật tốt những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết 11. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao ổn định được giá các mặt hàng chiến lược một thời gian dài để cắt cú sốc tâm lý đối với người dân. Nên xem xét giảm hoặc xóa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Tiếp đó, khi giải pháp thắt chặt tiền tệ đã trở nên “quá liều” thì phải chuyển sang chú trọng chính sách tài khóa, cần quyết liệt hơn để giảm nhập siêu và ổn định được tỷ giá vững chắc hơn. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, quan tâm nhiều hơn nữa công tác quản lý giá; đẩy mạnh thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp lệnh về giá trong kinh doanh để đẩy lùi được tình trạng lũng đoạn giá tồn tại phổ biến lâu nay. Chính phủ nên kiểm soát nhập siêu, hỗ trợ những ngành sản xuất nguyên vật liệu cơ bản và sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
HOÀNG LIÊM thực hiện