Theo dự báo, từ cuối tháng 7 này, tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ xảy ra một đợt lũ sớm. Đỉnh lũ là vào tháng 10 và lớn hơn nhiều các năm trước. Ai cũng hiểu nguyên nhân lũ là do mưa lớn ở thượng nguồn sông Mê Công. Nhưng từ sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy ở Lào cho thấy, chưa vào mùa lũ lụt mà vẫn có lũ ập về nếu xảy ra những sự cố tương tự ở thượng nguồn các dòng chảy lớn như sông Mê Công.
Từ nhiều năm qua, Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đã cảnh báo về việc các quốc gia chung một lưu vực như sông Mê Công đua nhau xây dựng hồ đập thủy điện. Lý do là điều này không chỉ bóp chết hệ sinh thái tự nhiên mà còn tạo ra nhiều ẩn họa. Theo thống kê, hiện nay Trung Quốc đã xây tới 8 đập thủy điện lớn ở thượng nguồn sông Mê Công; Lào và Campuchia cũng có kế hoạch xây 20 đập thủy điện trên dòng chảy chính. Còn nếu tính cả các chi lưu của sông Mê Công thì có thể nói là “chi chít đập thủy điện”. Theo Nhóm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIRA, đến năm 2030, sẽ có tới 470 hồ đập trên lưu vực sông Mê Công (gồm cả dòng chính và các chi lưu). Như vậy, khu vực này sẽ hình thành hàng trăm “quả bom nước” khổng lồ đe dọa các quốc gia ở hạ lưu khi có thiên tai khốc liệt và Việt Nam đang nằm ở cuối nguồn của các dòng chảy lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Mê Công…
Không chỉ có các nguy cơ đến từ bên ngoài mà ngay hàng ngàn hồ đập thủy lợi, thủy điện ở nước ta hiện nay cũng là những “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân và sự cố vỡ đập thủy điện xảy ra ở Lào là hồi chuông cảnh báo. Trong khi mưa lũ năm nay dồn dập thì theo công bố mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong tổng số hơn 6.500 hồ đập thủy lợi trên cả nước, đang có gần 1.200 hồ đập xuống cấp nghiêm trọng. Đáng lo hơn là theo báo cáo, hiện cả nước có 330 nhà máy thủy điện đang vận hành, với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước. Trong đó có những hồ đập cực lớn (dung tích trên 9 tỷ m3) như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… và các thủy điện khác như Tuyên Quang, Trị An… Theo các chuyên gia, những hồ chứa trên 1 tỷ m3 nước nếu xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt khi nhiều năm qua, tình trạng lũ chồng lũ, nước ập về quá nhanh, nhất là tại những khu vực có thủy điện ở miền Trung. Mặc dù từ năm 2016 đến nay, Bộ Công thương đã tuýt còi nhiều dự án thủy điện nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu như dòng chảy lớn nhỏ nào có thể làm thủy điện thì cũng đều có công trình thủy điện.
Theo các chuyên gia, đối với hệ thống hồ đập trong nước, Bộ NN-PTNT phải rà soát lại một cách tổng thể xem hồ đập thủy lợi nào đang xuống cấp để sửa chữa ngay. Bộ Công thương phải xem xét lại quy hoạch thủy điện, dứt khoát không cấp phép mới, thậm chí xóa bỏ các dự án thủy điện không cần thiết. Điều quan trọng hơn nữa là các cơ quan có trách nhiệm liên quan phải nghiên cứu các phương án, kịch bản đảm bảo an toàn cho người dân và công trình hạ tầng ở hạ du các hồ đập, các lưu vực sông lớn nhỏ, nhất là các dòng chảy lớn liên quốc gia như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt phải xây dựng kịch bản từ sơ tán dân đến phân lũ nếu chẳng may có sự cố vỡ hồ đập xảy ra… để sẵn sàng các phương án cứu hộ. Mới đây, khi họp khẩn bàn kế hoạch xả lũ thủy điện Sơn La và Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cũng đã đề cập đến tình trạng ngập lụt nặng chưa từng có ở Trung Quốc và đề nghị cơ quan dự báo khí tượng, thủy văn phải tham khảo cập nhật, có báo cáo thêm cả số liệu từ các quốc gia lân cận để giúp ban chỉ đạo điều hành một cách kịp thời, chính xác. Đây là việc phải làm ngay, không thể chần chừ, bởi bài học từ Lào đã cho thấy, nếu chúng ta lúng túng, bị động, khi tình huống xấu xảy ra, hậu quả sẽ khó có thể đong đếm được.