Phải rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Cả nước năm nay có hơn 888.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong số này có hơn 636.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ).

Năm nay, một phần do tác động của dịch Covid-19, một phần do Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, nên kỳ thi THPT quốc gia được đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chính phủ đã phân cấp cho địa phương chủ động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn. Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm chung, trong đó có việc xây dựng đề thi; phần mềm chấm thi trắc nghiệm; công tác tập huấn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi…

Kỳ thi này không đơn thuần là để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhằm đánh giá kết quả học tập của người học phổ thông cấp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông. Các cơ sở ĐH-CĐ cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Do đó, tính an toàn, khách quan, trung thực của kỳ thi vẫn phải được đặt lên hàng đầu, vì rõ ràng đây vẫn là một kỳ thi “2 trong 1”, khi mà hầu hết các trường ĐH-CĐ trong cả nước vẫn sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Vấn đề mà dư luận đang quan tâm là năm nay, kỳ thi không huy động lực lượng từ các trường ĐH tham gia coi thi, chấm thi. Vậy thì tính chất khách quan, trung thực của kỳ thi có được bảo đảm? Liệu có xảy ra các sự cố đáng tiếc như đã từng xảy ra? Bộ GD-ĐT cho biết, dù không huy động các trường ĐH-CĐ coi thi, chấm thi như mọi năm, nhưng bộ đã huy động hơn 6.000 cán bộ, giảng viên ĐH tham gia các đoàn thanh tra của bộ, của sở triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi. Kỳ thi năm nay cũng có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh tham gia giám sát. Như vậy, kỳ thi năm nay, cùng một đối tượng, một thời gian nhưng có 3 lực lượng thanh tra: thanh tra giáo dục, Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh. Bộ GD-ĐT khẳng định Ban chỉ đạo quốc gia đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, mỗi việc phải có một người chịu trách nhiệm chính, đơn cử như có người chịu trách nhiệm về công tác ra đề thi; phần mềm chấm thi; kết nối, báo cáo thông tin về kỳ thi... Ban chỉ đạo quốc gia cũng yêu cầu ban chỉ đạo thi các tỉnh thành cũng phân công theo hướng như vậy, rõ việc, rõ người và rõ trách nhiệm.

Dư luận lo ngại về tính trung thực, khách quan khi kỳ thi giao về cho địa phương tổ chức là có cơ sở. Dù lực lượng thanh tra thi được tăng cường như vậy, nhưng nếu không chuẩn bị kỹ càng, không lựa chọn cán bộ thanh tra bảo đảm yêu cầu thì sẽ không tránh khỏi tình trạng thanh tra “cưỡi ngựa xem hoa”. Trong hàng ngàn người tham gia, chỉ 1-2 người thiếu trách nhiệm sẽ ảnh hưởng tới sự khách quan của cả kỳ thi. Do đó, bên cạnh phải phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, Bộ GD-ĐT cũng cần tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra; có yêu cầu rất cụ thể đối với cán bộ, giảng viên đại học làm công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu trường nào cử cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn thì hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chứ không thể chung chung. Bên cạnh đó, để bảo đảm kỳ thi diễn ra suôn sẻ, trung thực, cần hoàn thiện phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ khâu coi thi, chấm thi tại địa phương; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm; sát sao việc định hướng dạy học, ôn tập, tạo tâm lý ổn định đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Kỳ thi năm nay cũng là năm đầu tiên sau khi có kết quả kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức so sánh phổ điểm thi tốt nghiệp với điểm học bạ của học sinh. Đây có thể là áp lực nhưng cũng là cơ hội để các địa phương khẳng định chất lượng giáo dục của mình. Nếu tổ chức kỳ thi trung thực, chúng ta sẽ có cơ hội để đối sánh chất lượng giáo dục ở các địa phương, bảo đảm sự đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh. Ngược lại, nếu kết quả thi không trung thực, cộng với việc đánh giá ở nhà trường không thực chất, chúng ta không thể biết được chất lượng giáo dục ở các địa phương. Do đó, tổ chức một kỳ thi khách quan, an toàn, nghiêm túc, chính là tạo niềm tin cho nhân dân, công bằng cho học sinh, mà trong đó, vai trò của thanh tra là rất quan trọng.

Tin cùng chuyên mục