Phản hồi vệt bài “Phố chật chội trong chiếc “áo làng”: Giữ đất cho mảng xanh, nông nghiệp đô thị

Sau khi Báo SGGP đăng vệt bài “Phố chật chội trong chiếc “áo làng” và “Phố còn xa lắm”, bạn đọc báo, trong đó có nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, đều cho rằng “đô thị hóa là quá trình tất yếu” với một trung tâm kinh tế, tài chính như TPHCM. Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện có lộ trình, kế hoạch…, trên cơ sở bảo vệ môi trường sống tốt cho người dân. Sau đây, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến về vấn đề này.

* Ông HOÀNG MINH TRÍ, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Đô thị hóa là quá trình tất yếu

Ông Hoàng Minh Trí

Với một thành phố được xếp vào loại đô thị đặc biệt, có số dân cư trú đông nhất nước như TPHCM thì việc chia tách quận, huyện để thành lập quận mới, hay lên thành phố trực thuộc thành phố là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển và tỷ lệ đô thị hóa ngày một cao.

Tuy nhiên, khi muốn “lên quận”, “lên thành phố” phải xem xét đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: tỷ lệ lao động trên dân số; mật độ cư trú điểm dân cư nông thôn ra sao; tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã đạt chuẩn theo đô thị loại 2 chưa; có phù hợp với quy hoạch chung thành phố được duyệt không?… Đặc biệt, phải tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chia tách thành lập quận của TPHCM thời gian trước đây để khắc phục những yếu kém, chủ quan duy ý chí (nếu có).

Theo tôi, để thực hiện thành công một chủ trương lớn ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị văn minh, hiện đại và bền vững của TPHCM cho những năm tới, cần làm một số việc như sau:

Tổng kết đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm sau 25 năm thành lập các quận mới (quận 12, Tân Phú, Bình Tân…) từ đó áp dụng vào thực hiện chủ trương “lên quận”, “lên thành phố” hiện nay. 

Rà soát lại đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, về các khu đô thị ở hướng Tây thuộc huyện Bình Chánh, hướng Tây - Bắc thuộc huyện Hóc Môn, Củ Chi có thể trở thành tiền đề cho việc hình thành “thành phố trực thuộc thành phố” không để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Đặc biệt lưu ý, tất cả 5 huyện ngoại thành còn lại của TPHCM không thể chuyển hết diện tích đất tự nhiên thành quận được mà vẫn phải giữ quỹ đất cho nông nghiệp, vành đai xanh và đất cho dự trữ phát triển. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc nhằm đảm bảo cho thành phố phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là với khu vực Cần Giờ - nơi có khu dự trữ sinh quyển/lá phổi cho TPHCM. 

Đối với các khu vực có chủ trương lên “lên quận”, “lên thành phố” cần phải đánh giá khoa học khách quan đã đạt được các tiêu chí theo chuẩn đô thị như quy định trong Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Nếu đạt thì phải xây dựng kế hoạch và xác định các nguồn lực đầu tư cụ thể để triển khai. 

* Ông NGÔ ĐỨC SƠN, Tổng Giám đốc CTCP DRH Holding: Cần thực chất và tiến trình cụ thể

Phản hồi vệt bài “Phố chật chội trong chiếc “áo làng”: Giữ đất cho mảng xanh, nông nghiệp đô thị ảnh 2 Ông Ngô Đức Sơn

Cách đây hơn 20 năm, TPHCM từng đề cập và sau đó có cả một đồ án về khu đô thị vệ tinh Tây Bắc thành phố với quy mô hơn 6.000ha, bao gồm một phần Củ Chi và Hóc Môn. Nhưng cho đến thời điểm hôm nay, đồ án trên vẫn còn trên giấy. Chính quyền thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch một số dự án như khu đô thị quốc tế… cho nhà đầu tư, nhưng đến nay, trên thực tế vẫn là những bãi đất trống. Việc này gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, mất niềm tin của người dân và ảnh hưởng môi trường đầu tư. Do đó, bây giờ Củ Chi lên thành phố, hay huyện nào đó lên quận thì chúng tôi vẫn rất mong cần có lộ trình cụ thể và đi vào thực chất để đô thị phát triển bền vững. Hiện nay, ở các huyện vùng ven chỉ còn Củ Chi là nơi quỹ đất còn khá “nguyên vẹn”, tuy nhiên để thu hút được các nhà đầu tư đến với Củ Chi cần có đột phá về hạ tầng. Từ trung tâm thành phố về Củ Chi mất 2 giờ ô tô với quãng đường chưa đến 40km thì rất khó thu hút đầu tư.

Được biết, thành phố chuẩn bị tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư Hóc Môn và Củ Chi với sự tham dự của lãnh đạo trung ương, các bộ ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước… Chúng tôi kỳ vọng, qua đây lãnh đạo sẽ lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của nhà đầu tư, từ đó có những quyết sách tạo đột phá cho vùng đất này.

* Ông PHẠM LÂM, Chủ tịch Công ty DKRA Việt Nam: Xây dựng môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh

Phản hồi vệt bài “Phố chật chội trong chiếc “áo làng”: Giữ đất cho mảng xanh, nông nghiệp đô thị ảnh 3 Ông Phạm Lân

Với yêu cầu phát triển ngày càng cao của TPHCM thì chiến lược đô thị hóa các khu vực ngoại đô là điều rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Chưa kể, trên thực tế có thể thấy, các địa phương giáp ranh với TPHCM đã có những dự án phát triển đô thị với quy mô lớn và được tính toán đầu tư một cách rất bài bản như Bình Dương, Đồng Nai... để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của địa phương mình. Do đó, việc hình thành các khu đô thị vệ tinh theo quy hoạch của TPHCM như Tây Bắc… còn tạo ra lợi thế cộng hưởng với các địa phương giáp ranh. Việc đô thị hóa được thúc đẩy nhanh chóng sẽ góp phần gia tăng lợi ích kinh tế, phát triển đa dạng của cả vùng. Tăng tính đồng bộ từ cơ sở hạ tầng cho đến các tiện ích hạ tầng xã hội, giúp cho người dân chuyển đổi và phát triển ổn định bền vững hơn. Khi các vùng ngoại đô được phát triển một cách đồng bộ, sẽ tạo ra động lực đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào quá trình phát triển các dự án bất động sản cũng như các tiện ích phục vụ các nhu cầu phát triển của địa phương. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi rất kỳ vọng về việc đô thị hóa ở các vùng ngoại thành nhằm tạo ra nhiều quỹ đất cho sự phát triển, đảm bảo được tính hiệu quả trong sử dụng quỹ đất tại TPHCM. Qua đó, giúp giảm áp lực, sức nén về nhu cầu nhà ở cũng như các vấn đề về hạ tầng giao thông, tiện ích xã hội lên các khu vực đô thị hiện hữu. Cái mà doanh nghiệp cần nhất hiện nay là môi trường đầu tư để công việc kinh doanh thuận lợi và đúng pháp luật. Trong vài thập niên về trước, chúng ta có thể tự hào kinh tế TPHCM mang tính chất “dẫn dắt” cho cả khu vực, nhất là việc thu hút đầu tư. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở một số lĩnh vực TPHCM không còn hấp dẫn nhà đầu tư nữa, các tỉnh thành lân cận trở thành “đối trọng” với TPHCM. Cụ thể, như lĩnh vực bất động sản, bây giờ nhiều tỉnh lân cận TPHCM như Bình Thuận, Đồng Nai, Long An… đã thu hút những dự án “tỷ đô” mà trong đó có không ít doanh nghiệp đến từ… TPHCM. Điều đó cho thấy môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng cho phát triển là cực kỳ quan trọng. 

Trở lại vấn đề một số huyện lên quận, huyện lên thành phố như lộ trình, kế hoạch mà lãnh đạo thành phố đưa ra, chúng tôi cho rằng đó là một quy luật tất yếu của tiến trình đô thị hóa. Tuy nhiên cần giữ bản sắc cho từng nơi, tránh tình trạng bê tông hóa. Dĩ nhiên, việc phát triển đô thị hóa của các khu vực ngoại thành phải có lộ trình cụ thể, từng bước lựa chọn các giai đoạn để đảm bảo được tính đồng bộ và cộng hưởng được lợi ích của các vùng đô thị với nhau.

Những lần “lên quận”, “lên phố” trước đây ở TPHCM

* Khu đô thị Nam TPHCM với quy mô diện tích hơn 2.900ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5.000) năm 1994. Căn cứ quy hoạch này, TPHCM triển khai lập các quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2.000 - 1/500) để triển khai đầu tư xây dựng và từ đó đến nay ngoài Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đầu tư xây dựng gần hoàn chỉnh trên diện tích hơn 400ha, các khu vực còn lại vẫn còn nhiều diện tích “bỏ trống” dù hầu hết trong số đó đã có chủ đầu tư.

* Năm 1997, TPHCM chia tách một số quận, huyện để thành lập các quận mới: quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân... Giai đoạn đó, Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM phối hợp cùng Ban Quản lý ruộng đất TPHCM (lúc đó chưa có Sở Địa chính - Nhà đất, sau này là Sở TN-MT) lập hồ sơ tham mưu cho UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập 5 quận mới. Cơ sở để đề xuất là quyết định phân loại đô thị của Hội đồng Bộ trưởng để xem xét các quận này đã đạt được tiêu chí nào trong các tiêu chí của đô thị loại 2. Lúc ấy, có một số quận đã không đạt được nhiều tiêu chí và xin sẽ trả nợ sau khi lên quận một thời gian.

* Thành lập TP Thủ Đức: Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010, hiện đang còn hiệu lực, ở phía Đông TPHCM có khu đô thị khoa học - công nghệ với hạt nhân phát triển là: Khu Đại học Quốc gia TPHCM, Khu Công nghệ cao, Khu Văn hóa lịch sử dân tộc Việt Nam. Tại quận 2 có khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm có các chức năng nhằm bổ sung cho khu trung tâm hiện hữu (bao gồm quận 1, 3, một phần quận Bình Thạnh và quận 4) không còn quỹ đất để phát triển.

Tin cùng chuyên mục