Phát huy tiềm lực trí thức kiều bào: Chính sách mạnh, thu hút từ xa

Ngày 23-3, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập VUSTA.
Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”. Ảnh: TTXVN
Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”. Ảnh: TTXVN

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600.000 người. Số này gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở sở tại, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây. Hàng năm trung bình có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động KH-CN.

Hôm nay, 24-3, tại Hà Nội diễn ra chương trình kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức (18-5-1963 - 18-5-2023) và 40 năm ngày thành lập VUSTA (26-3-1983 -26-3-2023). Tham dự sự kiện có khoảng 500 đại biểu.

Ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế KH-CN (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài), cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng trí thức kiều bào. Các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế độ ưu đãi hiện nay không còn phát huy hiệu quả.

Nhận định rằng chính sách đưa ra nhiều nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà khoa học, trí thức Việt Nam về nước đóng góp nhiều hơn, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT TPHCM gợi mở: điều quan trọng hơn cả là cần đánh giá đúng tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để có thể đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể, khuyến khích được những chuyên gia, trí thức đó đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

GS-VS Nguyễn Quốc Sỹ, Đại học Năng lượng quốc gia Moskva (Liên bang Nga) nhìn nhận, việc thu hút, tập hợp và sử dụng hiệu quả lực lượng trí thức kiều bào thực tế không đơn giản. Lực lượng trí thức kiều bào tuy đông nhưng phân bố rộng khắp, gặp khó khăn cho việc tập hợp. Ngoài ra môi trường sống và làm việc, đãi ngộ, lương bổng, nhà cửa, sinh hoạt, đi lại, học hành cho con... cũng là những khó khăn cần phải vượt qua để có thể thu hút lực lượng trí thức kiều bào về cống hiến cho đất nước.

Theo ông Phạm Việt Hùng, để thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài, bên cạnh việc duy trì liên hệ, hợp tác với các chuyên gia giàu kinh nghiệm, công tác, cần tiếp tục mở rộng tới thế hệ trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài gồm cả lực lượng du học sinh và con em kiều bào thế hệ thứ hai, thứ ba ở sở tại; tăng cường thu hút nguồn lực chất xám của kiều bào “từ xa”, gián tiếp như giảng dạy ngắn hạn, tư vấn, chuyển giao công nghệ cao, làm cầu nối mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam, thay vì phải quay về nước làm việc dài hạn. Mỗi địa phương, bộ, ngành cần dựa trên đặc điểm và nhu cầu thực tiễn để xây dựng những chiến lược và chính sách linh hoạt nhằm trọng dụng nguồn nhân lực tài năng phù hợp, tránh trường hợp áp dụng rập khuôn, máy móc, hưởng ứng theo phong trào, không thiết thực, hiệu quả, gây lãng phí nguồn chất xám của đất nước.

Tin cùng chuyên mục