Phạt nghiêm để bảo vệ môi trường

Báo SGGP ngày 7-2 có bài phân tích giải pháp thực thi hiệu quả Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phóng viên đã khảo sát thực tế việc này vào cuộc sống.
Phạt nghiêm để bảo vệ môi trường

Báo SGGP ngày 7-2 có bài phân tích giải pháp thực thi hiệu quả Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phóng viên đã khảo sát thực tế việc này vào cuộc sống.

Tự bao biện cho hành vi vi phạm

Nghị định 155 vừa có hiệu lực từ ngày 1-2-2017, đưa ra mức phạt 1 triệu - 7 triệu đồng đối với hành vi gây mất vệ sinh môi trường. Vậy mà thực tế các hành vi vi phạm vẫn diễn ra nhan nhản. Đi trên cầu Nguyễn Văn Cừ (hướng từ quận 5 sang quận 8), chúng tôi vẫn thấy rác đổ bừa bãi ngay trên cầu. Đi trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1) và đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) vẫn chứng kiến người dân sống dọc bên đường quét nhà, quét vỉa hè rồi dồn rác thẳng xuống miệng cống thoát nước. Bắt gặp một phụ nữ ở phường Cô Giang (quận 1) đang dồn rác xuống miệng cống thoát nước, chúng tôi nhắc sao không hốt rác mà dồn xuống cống, có thể bị phạt bạc triệu, người phụ nữ này tỏ vẻ bực dọc: “Rác xả xuống cống thì cũng ra kênh. Phạt dữ vậy ai có tiền đâu mà nộp, chả lẽ không nộp phạt thì bị bắt bỏ tù!”. Một anh bán đồ ăn vặt tại cổng Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) cũng nói ngang như vậy khi nghe chúng tôi nhắc từ nay xả rác ngoài đường sẽ bị phạt nặng: “Ngày nào đường sá cũng có công nhân vệ sinh đi quét dọn, miễn không vứt rác xuống kênh rạch là được. Tụi tôi buôn bán nhỏ, vốn liếng chỉ có mấy trăm ngàn đồng, mà phạt tiền triệu thì lấy gì nộp!”.

Những người thiếu ý thức vẫn đổ rác bừa bãi ngay trên cầu Nguyễn Văn Cừ (hướng quận 5 đi quận 8)

Để ngăn chặn việc tiểu bậy ở chân Cầu Mống và tiểu đảo trước cửa hầm vượt sông Sài Gòn, phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) đã làm hàng rào chắn, nhưng vẫn không hiệu quả. Cánh xe ôm dựng xe chờ khách tại đây bao biện: “Khu vực này không có nhà vệ sinh công cộng, biết làm sao bây giờ! Tụi tui là dân nghèo thành thị, trong túi chỉ có vài chục, một trăm ngàn đồng, phạt vài triệu đồng thì cũng chẳng có để nộp”. Hầu hết những người dân có hành vi gây mất vệ sinh môi trường cho rằng mức phạt quá cao, nhưng lại không chủ động cải thiện ý thức và hành vi của mình.

Chỉ mới rục rịch triển khai

Trong khi Nghị định 155 đã có hiệu lực 1 tuần, chính quyền các phường - nơi được trao quyền phạt tối đa tới 5 triệu đồng - vẫn chưa triển khai thực hiện và cho biết còn phải chờ các cấp, ngành liên quan mở lớp tập huấn để lập kế hoạch cụ thể cho việc thực thi Nghị định 155. Ông Ngô Quang Diện, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành, cho hay: “Hiện phường đang chờ lịch tập huấn cho lực lượng trật tự đô thị, nên chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị định 155. Mức phạt cao có tính răn đe ngăn ngừa vi phạm vệ sinh môi trường, nhưng cũng khó xử lý nếu người dân chối cãi, chống đối. Vì vậy, cần phải phối hợp với bên công an, bởi lực lượng này mới có thẩm quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ hoặc mời về trụ sở để làm việc. Với địa bàn phường Bến Thành thì nhân lực còn thiếu nhiều, do đó chúng tôi đang chuẩn bị về mặt nhân lực để ra quân xử lý vi phạm theo Nghị định 155 cũng như theo chỉ đạo của UBND quận 1”. Theo số liệu phường Bến Thành cung cấp, năm 2016, phường này đã xử phạt 92 trường hợp đổ rác, xả nước ra nơi công cộng làm mất vệ sinh chung với số tiền 31,5 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, cũng đã phạt 7 trường hợp với hành vi tương tự.

UBND phường Cầu Ông Lãnh cho biết, trong thời gian chờ tập huấn, UBND phường đã cử lực lượng đi vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn cho khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. Đồng thời, phường tuyên truyền, nhắc nhở sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghiệp đoàn xe ôm, người bán vé số, bán hàng rong về các chế tài theo Nghị định 155. Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh, băn khoăn: “Người vi phạm vệ sinh môi trường thường là người lao động, do đó mức phạt quá cao sẽ dẫn đến các hành vi chống đối”.

Còn chính quyền phường Phạm Ngũ Lão đã chủ động xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm ở một số tuyến đường trọng điểm. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến tuyến đường Lương Hữu Khánh, kiên quyết xử lý các cơ sở xả thải, sơn xịt sai quy định, ảnh hưởng đến môi trường. Ông Cao Hồng Việt, Phó chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, khẳng định: “Trong thời điểm này, phường đã lên kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong dân tại 7 khu phố về việc giữ gìn vệ sinh môi trường và nhắc nhở sẽ kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm”.

Trước và trong Tết Nguyên đán, UBND quận 1 đã ra quân lập lại trật tự vỉa hè và mỹ quan đô thị, xử lý các hành vi gây mất vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn, đạt hiệu quả cao. Thiết nghĩ, nếu các nơi đều thực hiện quyết liệt và nghiêm túc như vậy, kiên quyết áp dụng chế tài theo Nghị định 155 thì tình trạng vệ sinh môi trường mới có thể được cải thiện.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục