Theo ông, lý do nào để Trường Đại học Rajabhat Loei đưa những sản phẩm OTOP đến quảng bá tại Hội chợ Mua sắm và Ẩm thực Thái Lan lần này?
PGS.TS PICHIT PRAPINIJ: Không chỉ đóng vai trò đại diện Trường Đại học Rajabhat Loei, chúng tôi còn đại diện những doanh nghiệp đến từ tỉnh Loei thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan, là đối tác của dự án Thai OTOP “Một huyện - một sản phẩm” của Chính phủ Thái Lan. Đây là chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm Thái Lan do Chính phủ phát động nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm Thái Lan theo tiêu chuẩn quốc gia và định hướng xuất khẩu các nước khu vực và thế giới.
Nguyên nhân nào khiến ông tự tin vào những sản phẩm của vùng Đông Bắc Thái Lan nói riêng và sản phẩm Thái Lan nói chung có thể chinh phục thị trường Việt Nam?
Việc tìm hiểu và nghiên cứu nhu cầu khách hàng cho các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường là nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Đây cũng là điều mà Chính phủ Thái Lan tin tưởng, mời Trường Đại học Rajabhat Loei tham gia dự án để hỗ trợ các sản phẩm khu vực Đông Bắc nói riêng và Thái Lan nói chung. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy người Việt Nam thích và tin tưởng sản phẩm “Made in Thailand”. Vị trí địa lý gần gũi cũng như những sự tương đồng về văn hóa, hành vi tiêu dùng hay sở thích cũng là lợi thế lớn cho sản phẩm Thái Lan mà chúng tôi rút ra từ các nghiên cứu.
Hội chợ Mua sắm và Ẩm thực Thái Lan năm 2019 có trên 200 gian hàng bày bán các sản phẩm đa dạng được sản xuất từ Thái Lan gồm mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trang sức, quần áo thời trang, giày dép, túi xách, hàng gia dụng, thực phẩm chế biến và thức uống, phụ tùng xe phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Hội chợ diễn ra từ 21 đến 28-8-2019 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Tân Bình, 446 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TPHCM. |