Trong khi giải bóng rổ vô địch quốc gia Việt Nam hầu như ít được biết đến dù vẫn diễn ra hàng năm, mỗi lần như vậy chỉ gói gọn trong 2 tuần lễ thì chỉ cần mới xuất hiện ở mùa giải đầu tiên, giải bóng rổ nhà nghề (VBA) đã tạo nên một bầu không khí hoàn toàn khác. Chỉ có 5 đội bóng nhưng lại kéo dài đến 3 tháng tại nhiều địa phương khác nhau. Riêng tại TPHCM, những trận đấu của VBA 2016 luôn chật cứng khán giả tại nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (quận 3, TPHCM).
Tất nhiên, sự khác biệt nằm ở tính chất và công tác tổ chức. Mỗi trận đấu giống như ngày hội, một show giải trí với nhiều hoạt động ngoài và trên sân đấu. Nó khiến khán giả cảm nhận được sự thư giãn, niềm vui ở một hình thức giải trí thực thụ, thay vì đơn giản chỉ là yếu tố chuyên môn. Cũng cần phải nhắc lại, bóng rổ không phải là môn chơi phổ biến ở Việt Nam trong khoảng 2 thập niên gần đây, nên để có được bầu không khí tươi mới như vậy, hoàn toàn nằm ở công nghệ tạo sức hút của những nhà tổ chức. Đơn giản là làm sao để người xem cảm thấy vui vẻ trước đã.
Đây cũng chính là yếu tố quyết định đến thành công của giải bóng đá phủi chuyên nghiệp ở Hà Nội đã diễn ra đến mùa giải thứ 4. Một giải đấu phong trào nhưng có lượng khán giả còn cao hơn nhiều trận đấu ở V-League. Chuyên môn thì không thể so sánh nhưng tính giải trí thì hoàn toàn vượt trội so với giải chính quy của bóng đá Việt Nam. Và đó chính là một trong những mục đích quan trọng của thể thao, tức là phải khơi gợi sự yêu thích của người dân, dù là chuyên nghiệp hay là phong trào.
Hôm nay 12-11, đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ có trận giao hữu cuối cùng trước thềm AFF Cup 2016, nét đặc biệt đó là lần đầu tiên một trận đấu của đội tuyển quốc gia được diễn ra ở miền Tây. Tình trạng “sốt vé” đang xảy ra, cho thấy nhu cầu xem đội tuyển thi đấu của người hâm mộ ở các địa phương lớn đến thế nào và qua đó việc suốt 20 năm qua, đội tuyển chỉ loanh quanh thi đấu tại Hà Nội, TPHCM là một sự thiếu sót rất lớn của các nhà quản lý bóng đá Việt Nam. Sắp xếp cho đội tuyển thi đấu tại địa phương có khó không? Thế mà gần 400 trận đấu lớn, nhỏ của đội tuyển quốc gia trong 20 năm qua, rất ít khi diễn ra bên ngoài 2 thành phố lớn kể trên. Rõ ràng, có một vấn đề lớn nằm ở tư duy tổ chức của các nhà quản lý. Đáng tiếc, điều này không chỉ xảy ra đối với cấp độ đội tuyển mà ngay cả các trận đấu tại V-League cũng đang sụt giảm số lượng khán giả rất nhanh trong thời gian gần đây vì ý nghĩa giải trí, tạo niềm vui không còn nhiều.
Trở lại với câu chuyện của môn bóng rổ. Đây là môn thể thao hàng đầu về hỗ trợ thể chất và rất dễ phát triển ở môi trường học đường hay các đô thị lớn vốn đông người, ít đất. Thế nhưng, tương phản với tính phổ thông của nó là sự thờ ơ của người dân, nên khi không thể thu hút được người xem, làm sao nói đến chuyện khuyến khích việc tập luyện hay thi đấu, đừng nói đến việc phát triển bề rộng phong trào. Trong khi đó, qua các trận đấu của VBA 2016, rõ ràng là bóng rổ vẫn nhận được sự quan tâm lớn và có sức hút nhất định với giới trẻ. Từ thích thú đến đam mê và tập luyện chỉ còn là con đường ngắn.
Rất tiếc, các quy hoạch cũng như định hướng của ngành thể thao Việt Nam chủ yếu tập trung vào thành tích đỉnh cao. 90% ngân sách cũng chỉ dồn vào hoạt động thi đấu quốc tế, trong khi chiến lược xã hội hóa thì chỉ thực hiện sơ sài khiến nhiều môn vốn phổ biến tại Việt Nam như bóng bàn, bóng rổ, cầu lông ngày càng mất đi chỗ đứng trong đời sống người dân. Mô hình CLB chuyên nghiệp do doanh nghiệp đầu tư cũng chỉ tạm ổn ở lĩnh vực bóng đá.
Có thể thấy rõ sự phát triển lệch của thể thao Việt Nam qua việc nhiều tỉnh, thành phố dễ dàng đầu tư các cơ sở thi đấu đạt chuẩn quốc gia, quốc tế nhưng quanh năm không có người tập luyện.
Việt Quang