Tuần qua, bộ phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, kịch bản dựa trên cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, đã ra mắt báo giới và sẽ chính thức công chiếu vào dịp lễ 30-4 này. Có thể sự đón nhận bộ phim sẽ không náo nhiệt, ồn ã như phim giải trí mùa tết, nhưng chắc chắn đây sẽ là một tác phẩm điện ảnh đáng xem và đáng nhớ.
Niềm tin này không chỉ đến từ tài năng và tên tuổi của đạo diễn, từ số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký, mà còn bởi chính sức cuốn hút từ những trang viết chân thực của nữ bác sĩ Hà thành trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, khốc liệt nhất của chiến trường, với chan chứa tình người và những ước mơ cháy bỏng về một ngày hòa bình…
Hẳn xem phim cũng sẽ có sự liên tưởng đến khúc tráng ca “Ngã ba Đồng Lộc” đầy chất thơ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, ở đó sự hy sinh của 10 đóa hoa trinh liệt nơi mảnh đất thiêng đã gieo vào lòng người niềm thương đau và kiêu hãnh. Và hẳn chúng ta cũng khó quên những bộ phim đi cùng năm tháng: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Đời cát”… Tình cảm của nhiều thế hệ khán giả đong đầy theo năm tháng chính là thước đo giá trị của bộ phim.
Đó là những bộ phim thuần Việt, với câu chuyện Việt nhưng chuyên chở được những thông điệp sâu sắc và có giá trị nhân loại. Những bộ phim ấy như những sợi dây liên kết các thành viên trong xã hội, giữa các thế hệ, làm lan tỏa ý thức cội nguồn, thái độ trân trọng biết ơn, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước… Đó chính là tài sản tinh thần vô giá, để lại trong lòng người những dấu ấn đặc sắc khó mờ phai.
Cũng xoay quanh chuyện phim, nhất là ở mảng phim truyền hình, gần đây, nhiều người lại cảm thấy chạnh lòng, thậm chí tủi hổ, âu lo về một hiện tượng tuy không mới nhưng lại đang rầm rộ, đó là chuyện phim phiên bản. Những kịch bản gốc của Thái Lan, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc… được Việt hóa, lên phim và trình chiếu ồ ạt có khi tới hàng chục, hàng trăm tập. Cũng dễ hiểu, bởi chiếu nhiều thì lời lãi từ tiền quảng cáo càng lớn.
Thậm chí có phim dài tập Hàn Quốc từng được chiếu nhiều ở Việt Nam, nay đang dựng lại theo phiên bản Việt. Dù nhiều ý kiến khen chê, thuận nghịch khác nhau, nhưng Việt hóa kịch bản ngoại đang dần được chấp nhận như một lẽ tất yếu để đáp ứng “guồng quay” của phim truyền hình với tốc độ chóng mặt.
Thực ra việc “xào” lại, nhái lại những phim nước ngoài không chỉ có ở nước ta. Các nước khác cũng có nhưng họ không thả nổi, chỉ cho phép một tỷ lệ nào đó, không để tràn lan, lấn lướt phim nội địa.
Đành rằng Việt hóa kịch bản ngoại cũng là một cách học hỏi công nghệ làm phim, nếu biết chắt lọc, làm tốt cũng thêm một nhịp cầu để hòa nhập với phim trường quốc tế. Đây cũng xem như một giải pháp tình thế được các nhà làm phim trẻ rất chuộng trong tình trạng bùng nổ phim truyền hình nhiều tập đòi hỏi lượng kịch bản rất lớn nhưng nguồn nội địa chưa kịp đáp ứng… Có nhiều lý do để biện minh, song thực tế sự xâm nhập ồ ạt, thiếu chọn lọc và chiều hướng lấn lướt của dạng phim này là đáng báo động.
Một số nhà làm phim trẻ cũng là những người có nền tảng tri thức, có tài và năng động, đủ sức đột phá nhưng có lẽ tình yêu nghệ thuật và bản lĩnh chưa đủ để vượt qua cám dỗ, thách thức của thương trường…
Thực tiễn cuộc sống vô cùng phong phú và ngổn ngang bao vấn đề đòi hỏi được đề cập, mổ xẻ, đối thoại, lẽ nào người làm phim chỉ rong ruổi với những chuyện tình lãng mạn với những Tiên đồng - Ngọc nữ, cùng mô típ Lọ lem - hoàng tử, những chuyện trên trời, rồi vui cùng bài toán doanh thu. Không phải khắt khe khi có ý kiến nhận định, nhiều phim hiện đang mất dần cốt lõi tinh thần, chất nhân văn, mà đang trần trụi với giá trị thương mại thuần túy.
Văn hóa hôm nay sẽ là di sản của ngày mai. Chúng ta có yên tâm và hãnh diện không khi di sản cho ngày mai là những phim, kịch phiên bản, là những nhạc nhái, nhạc đạo, là tranh sao chép!? Đất nước đang vươn mình để bước vào sân chơi lớn toàn cầu, chúng ta tiếp thu những tinh hoa của thế giới đồng thời góp cho thế giới nét đẹp đặc sắc và riêng biệt của nền văn hóa bản địa, song những sản phẩm giới thiệu ra quốc tế chỉ có thể có chỗ đứng trên cơ sở phát huy các hệ giá trị Việt Nam.
Thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật và suy ngẫm dường như còn thấy một vấn đề lớn hơn.
Một lớp trẻ như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc… đã được vun đắp, trưởng thành, được chắp cánh ước mơ… bằng gì nhỉ? Chắc chắn sẽ không thể bằng phim phiên bản, truyện gợi dục, nhạc nhái, nhạc não tình…
TRẦN BẠCH TUYẾT