Phối hợp kiểm soát thị trường tết

Những ngày qua, HĐND TPHCM đã tổ chức hàng loạt các buổi làm việc với các sở, ngành chức năng, các doanh nghiệp (DN) chủ lực về việc chuẩn bị nguồn hàng, công tác kiểm tra giám sát thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 sắp tới. 
Sở Công thương TPHCM cũng đi thực tế tại nhiều DN, làm việc với nhiều tỉnh, thành để theo dõi sát tình hình cung - cầu, từ đó giải quyết ngay các vấn đề khúc mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tổng lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng cho dịp mua sắm cuối năm tăng từ 15% - 20% so với kế hoạch TP giao và tăng 20%-30% so với kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017. Tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Mậu Tuất 2018 là hơn 17.800 tỷ đồng, tăng 743,3 tỷ đồng (4,1%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017, trong đó giá trị hàng hóa bình ổn thị trường (BOTT) là hơn 7.000 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng được dự trữ với sản lượng lớn, chi phối từ 32%- 55% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 57,1%), trứng gia cầm (47,1%), thực phẩm chế biến (39,1%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)... Đối với nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến khô và đông lạnh, các DN đã bắt tay vào sản xuất hàng tết kể từ ngày 8-1 vừa qua. 
Trên thực tế, dù kế hoạch cân đối cung - cầu, chuẩn bị hàng tết đã sẵn sàng, các DN cũng đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hóa phục vụ tết nhưng chúng ta không thể lơ là với thị trường tết, bởi lẽ TPHCM không chỉ là địa bàn có đông dân với sức mua lớn nhất nước, mà còn là nơi trung chuyển hàng hóa đến nhiều tỉnh, thành trong nước. “Nhất cử, nhất động” về hàng hóa, giá cả tại TPHCM đều có thể ảnh hưởng đến nhiều địa phương khác. 

Liên quan đến công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện đang bị chồng chéo giữa các sở và Ban Quản lý ATTP, đã tạo lỗ hổng cho hàng kém chất lượng hoành hành. Đáng lo ngại là tình trạng nhập khẩu các loại thịt heo, bò, gà không đảm bảo nguồn gốc diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, trong 2 năm 2016 và 2017 đã xuất hiện tình trạng sản xuất thịt giả, thông qua việc “lên đời” thịt heo nái thành các loại thịt khác. Hàng giả, hàng nhái không chỉ tuồn vào các cửa hàng nhỏ lẻ, bán với giá thấp mà gần đây đã đi vào các cửa hàng cao cấp, bán giá cao. Đối với các mặt hàng cấm như pháo cũng có nhiều biến tướng thành các loại pháo sáng, pháo hoa, khiến công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Nước ta mở cửa thị trường theo các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết nhưng công tác kiểm tra, giám sát thị trường vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu các công cụ hỗ trợ cần thiết. 

Để hạn chế thấp nhất tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng và ATTP cần có các giải pháp phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng như cảnh sát kinh tế, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường và thú ý để ngăn chặn ở ngay các cửa ngõ của TPHCM. Nếu để các lô hàng kém chất lượng lọt vào khu vực nội thành thì sẽ không kiểm soát cho xuể. TP đã định hình được mạng lưới phân phối đa dạng và rộng khắp, ngoài hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, phiên chợ nông thôn, bán hàng lưu động còn có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể… nhưng điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự kết nối tốt hơn giữa DN với người tiêu dùng. 

Trước tình hình trên, UBND TPHCM yêu cầu Sở Công thương TP phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa, kiểm soát hàng gian, hàng giả và quản lý giám sát giá, đặc biệt là giá dịch vụ thường đồng loạt tăng vào dịp tết. Cần theo dõi và nắm bắt sát diễn biến thị trường, từ đó có những phân tích, đánh giá để triển khai, hỗ trợ các thành phần kinh tế chuẩn bị hàng hóa phù hợp, kịp thời. Về cơ cấu các nhóm hàng, đặc biệt là hàng đặc trưng cho mùa mua sắm tết, nên căn cứ vào kết quả tiêu dùng của năm trước và sức mua trong thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch sát thực, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều trong khi mức cầu không tăng cao. Trường hợp nơi nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá thì người đứng đầu của địa bàn đó chịu trách nhiệm trước UBND TP. Đối với những địa điểm phát hiện tự ý nâng giá dịch vụ tăng cao trong dịp tết, sẽ tiến hành truy thu thuế hoặc phạt thật nặng đối với hành vi vi phạm, tạo điều kiện tốt nhất để người dân TP mua sắm hàng hóa an toàn và tiết kiệm. 

Tin cùng chuyên mục