Cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ để tìm cách ngăn chặn các vụ bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng. Phía gia đình cần giáo dục con em mình về cách thức ứng xử, nhất là trong các tình huống đặc biệt, như có va chạm giao thông, khi thấy chuyện sai trái, liên quan đến lợi ích…, trên tinh thần phải tôn trọng người khác cũng là cách để tự bảo vệ mình.
Phía xã hội cần có sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông để lên án những hành vi sai trái, cổ vũ và động viên những biểu hiện tích cực, đồng thời phân tích rõ những điều đúng, điều sai, những điều nên làm; các tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên, cần có nhiều biện pháp giáo dục thanh thiếu niên về cách thức ứng xử, cách thức tự bảo vệ, đồng thời có biện pháp hỗ trợ thanh thiếu niên trong những trường hợp cần thiết.
Các giáo viên phải thực sự làm gương trong việc ứng xử khi lên lớp cũng như trong sinh hoạt (giữa giáo viên với nhau và với học sinh), trong đó phải hạn chế đến mức thấp nhất các biểu hiện có tính chất bạo lực (đánh đập học sinh, dùng lời lẽ, thái độ có tính làm nhục trẻ…).
Cần tổ chức quản lý trường lớp thật tốt, tránh hiện tượng có “đại ca”, “đại tỷ”, “đại bàng”, nhất là tình trạng giáo viên sử dụng biện pháp “học sinh trị học sinh”, cũng như hạn chế bất kỳ các biểu hiện bắt nạt nào trong nhà trường.
Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tạo môi trường thực sự lành mạnh ở khu vực xung quanh trường học, như hạn chế các điểm chơi game, các điểm giải trí, các tụ điểm có thể tụ tập những thanh niên chậm tiến…
Tích cực phối hợp với gia đình trong việc kịp thời thông tin với gia đình về những biểu hiện bất thường của học sinh để cùng có biện pháp xử lý phù hợp.