Không chỉ làm đúng làm đủ mà Cục Thuế TPHCM đòi hỏi cán bộ công chức của mình hơn thế: phải có sáng kiến, cải tiến – ít nhất là cải tiến từ công việc của mình. Nhờ vậy, sau 5 năm phát động, Cục Thuế TPHCM đã thu hút được 700 sáng kiến, cải tiến có giá trị ứng dụng, rút ngắn thời gian thủ tục hành chính... Hiện nay, sáng kiến đã trở thành điều kiện để xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong ngành thuế TPHCM.
Mỗi sáng kiến, cải tiến một quy trình
Hơn ai hết, công chức chuyên môn là người hiểu rõ công việc mình phụ trách cần gì, thiếu gì. Từ việc tiếp thu một số ý kiến rời rạc, năm 2006, bà Nguyễn Thị Phương Dung (lúc ấy là Cục trưởng Cục Thuế TPHCM) nghĩ ngay đến việc cải tiến ngành thuế, nhưng không phải bằng cách mời chuyên gia mà chính là phát huy sức sáng tạo, huy động chất xám từ những cán bộ công chức đang trực tiếp làm việc. Cục Thuế ban hành một quy chế thi đua, lập ra hội đồng chấm điểm để phân loại và công nhận các giải thưởng sáng chế, cải tiến của ngành. Như “nắng hạn gặp mưa”, mỗi năm hàng trăm ý kiến, sáng kiến, đề xuất cải tiến gởi về. Mỗi một sáng kiến cải tiến một phần công việc, rút ngắn thời gian, chi phí cho đơn vị. Trong đó, nhiều sáng kiến đã được Tổng cục Thuế công nhận ứng dụng cho toàn ngành.
“Cứ từ một gút mắc nhỏ nếu không đầu hàng thì một sáng kiến lớn sẽ ra đời” - ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP, nói. Ngay thời điểm Cục Thuế TPHCM chịu áp lực quá tải trong việc cấp mã số thuế thu nhập cá nhân khi Luật Thuế vừa có hiệu lực pháp luật năm 2009, chính công chức phụ trách việc này đã nghĩ ra sáng kiến mới. Trong vòng 5 tháng đầu năm 2009, Cục Thuế TP đã nhận 7.000 file xin cấp mã số thuế của các đơn vị cho 500.000 cá nhân. Nếu nhập liệu bằng cách thủ công, cần đến 20 người làm việc trong vòng 8 tháng.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang và anh Nguyễn Hoa Bắc (công chức Phòng Tin học) phải chịu trách nhiệm trước “núi” công việc này. Thay vì cần mẫn ngồi nhập liệu, 2 cán bộ này đã “đánh bạo” ngồi xây dựng phần mềm hỗ trợ tự động đọc tất cả các file dữ liệu và lọc ra những file lỗi để điều chỉnh lại. Quyết định táo bạo đó đã mang lại kết quả lớn, phần mềm cấp được số lượng lớn mã số thuế cho người nộp thuế chỉ trong vòng vài tuần và chỉ với vài nhân viên nhập liệu, giảm đáng kể chi phí, nhân công và thời gian cho cơ quan. Và quan trọng hơn hết, phần mềm góp phần giải quyết tình trạng quá tải trong việc cấp mã số thuế cho người dân.
Việc hoàn thuế chậm là một vấn đề bức xúc của doanh nghiệp trong thời gian dài vừa qua. Lượng hồ sơ quyết toán rất lớn, mỗi năm Cục Thuế phải giải quyết hoàn thuế khoảng 2.500 hồ sơ. Thời gian quy định chỉ 15 ngày làm việc (đối với hồ sơ hoàn trước, kiểm tra sau), 60 ngày (đối với hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau). Nhưng hồ sơ phải đi vòng qua nhiều phòng như Phòng Tuyên truyền hỗ trợ (nhận hồ sơ), Phòng Kê khai và Kế toán thuế (phân loại, giải quyết hồ sơ), Phòng Pháp chế (thẩm định hồ sơ) rồi mới trình lãnh đạo ký. Vì vậy, không nơi nào biết được có bao nhiêu hồ sơ hoàn thuế giải quyết đúng hạn và trễ hạn.
Thay vì làm cho xong việc phần mình, chị Trần Thị Hồng, Phó phòng và anh Nguyễn Thành Nguyên, công chức Phòng Kê khai và kế toán thuế không chấp nhận như thế. Cả hai cùng phối hợp xây dựng biện pháp lập sổ theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế. “Sổ theo dõi” quy định rõ thời gian, nội dung các bước thực hiện. Nhờ vậy, phần mềm giúp quản lý chặt chẽ thời gian giải quyết, hạn chế được hồ sơ trễ hạn.
Và... 10 nhất!
Khi sức mạnh của từng cá nhân được phát huy thì tập thể cũng mạnh. Ông Nguyễn Đình Vu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhận xét, qua phong trào này, Cục Thuế TPHCM đã thu hút được nhiều chất xám, phát huy được sức mạnh trong đội ngũ cán bộ công chức. Nhờ vậy, Cục Thuế TP được xếp vào 10 cái nhất so với các tỉnh, thành của cả nước như: có đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo nhất; có số thu lớn nhất; đạt danh hiệu Anh hùng; đơn vị duy nhất có cán bộ nữ Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; ứng dụng công nghệ thông tin sớm nhất; cải cách hành chính hiệu quả nhất; có nhiều ý kiến, đề xuất nhất; có nhiều sáng kiến nhất; làm tốt công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế nhất; tiết kiệm, phòng chống tham nhũng tốt nhất.
Thấy được ý nghĩa của phong trào này, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP, cho biết sẽ tập trung khuyến khích cán bộ phát huy sáng kiến, ít nhất mỗi cán bộ phải có được một sáng kiến từ chính công việc của mình. Nhiều chi cục còn đặt tiêu chí phải có sáng kiến mới được bổ nhiệm, đề bạt. Đó cũng là cách bồi dưỡng đào tạo nhân tài hiệu quả nhất.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng 700 sáng kiến vừa qua đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành. Mà cái được lớn nhất là lãnh đạo dám nghe những lời trái tai, nhìn thẳng vào những khuyết điểm thì mới có được những sáng kiến, cải tiến như hôm nay. Đây là một phong trào thiết thực, cần tiếp tục phát huy, nhân rộng.
HÀN NI