Đang là giám đốc điều hành một công ty nổi tiếng tại TPHCM, chị Văng Thúy Kim Tước (Tiffany Vang) bất ngờ sang Mỹ theo học ngành thiết kế đồ họa tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Riverside (California - Mỹ) trong sự ngỡ ngàng của nhiều đồng nghiệp. Mới đây, Kim Tước đã xuất sắc đoạt huy chương vàng ngành đồ họa tại kỳ thi Skills USA, trở thành một trong 50 sinh viên xuất sắc nhất nước Mỹ năm 2015.
Chị cho biết, Skills USA là một cuộc thi tay nghề quy mô toàn nước Mỹ dành cho sinh viên, học sinh các ngành kỹ thuật, công nghiệp. Hàng năm có khoảng 300.000 sinh viên, học sinh khắp nước Mỹ tham gia tranh tài theo nhiều ngành nghề khác nhau ở 3 cấp: khu vực, tiểu bang và cuộc thi toàn nước Mỹ. Đây không phải là một kỳ thi tuyển chọn để được nhận bằng cấp mà là một cuộc thi đấu tranh tài giành chức vô địch.
So với các ngành khác (bài thi chỉ bao gồm 2 - 4 phần), bài thi ngành đồ họa được đánh giá là cam go nhất khi có đến 7 phần như kiến thức tổng quát, kiến thức chuyên ngành, kỹ thuật trả lời phỏng vấn xin việc, tính toán giá thành sản phẩm, thiết kế đồ họa, kỹ thuật chế bản và vận hành máy in. Do đó, thí sinh dự thi ngành này cần có kiến thức và kỹ năng bao quát trong cả ngành công nghiệp đồ họa, thiết kế và in ấn. “Thời gian dành cho mỗi phần thi rất eo hẹp, ví dụ như phần thi thiết kế đồ họa, thí sinh phải thiết kế một poster quảng cáo dán tường kích thước A3 trong vòng 60 phút. Vận hành máy in cũng là một phần thi khó. Thí sinh phải in 1 trang quảng cáo 4 màu trong khi bản kẽm của các màu đã bị xoay lệch. Thí sinh phải vừa in vừa tự chỉnh sửa máy nếu có sự cố phát sinh. Phần thi kiến thức tổng quát cũng không dễ vì sẽ có rất nhiều câu hỏi bất ngờ nằm ngoài kiến thức chuyên môn…”, Kim Tước chia sẻ về độ khó của cuộc thi năm nay.
Nói về các sinh viên người Việt Nam ở Mỹ, Kim Tước cho biết họ rất chịu khó và học giỏi. Đặc biệt, trong các ngành lý thuyết như toán, tin học. Tuy vậy, sinh viên Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn khi theo học các ngành công nghiệp như đồ họa. “Sinh viên ngoài việc sử dụng máy tính để thiết kế đồ họa, còn phải có khả năng tự vận hành máy móc trong xưởng in offset của trường. Trong khi đó, ở Việt Nam, không phải sinh viên nào cũng được tận mắt nhìn thấy những chiếc máy này. Ngôn ngữ cũng là một rào cản quan trọng, đặc biệt là ngành đồ họa, vì không chỉ thi thực hành, mà còn phải thi lý thuyết, thuật ngữ chuyên môn”, Kim Tước cho biết.
Cùng với huy chương vàng của các ngành khác, Kim Tước sẽ đại diện tiểu bang California tranh tài tại cuộc thi toàn nước Mỹ vào tháng 6 tới. Do đó, sau cuộc thi cấp tiểu bang, Kim Tước đang nỗ lực ôn luyện với mong muốn thêm một lần đứng lên bục nhận huy chương của ngành đồ họa. Xa hơn, chị mong muốn được truyền kiến thức và kinh nghiệm về ngành đồ họa cho các sinh viên tại quê nhà.
TƯỜNG HÂN