Quá giới hạn

Nước Pháp bị các đợt tấn công ghê rợn chưa từng có - Tổng thống Pháp F.Hollande khẳng định.
Nước Pháp đang trong chiến tranh - các báo Pháp Le Parisien và Le Figaro nhận định.

IS đã chính thức thừa nhận là thủ phạm vụ tấn công vào Paris. Điều này không quá bất ngờ, bởi sau vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo tháng 1-2015, các chuyên gia đã dự báo sẽ có tấn công khủng bố ở Pháp với quy mô chưa từng có với đủ các kịch bản tương tự như loạt tấn công đêm 13-11 (giờ Paris). Nhưng “kẻ thù” ngày nay không còn đơn giản dễ đoán. Chúng là những kẻ đặc biệt ghê gớm, cuồng tín, sát thủ và dị thường. Là một nhánh của al-Qaeda, IS đã vượt tiền bối của mình cả về tham vọng chính trị lẫn tính tàn bạo. Các chuyên gia nhìn nhận điều tiêu biểu của IS là kết hợp sự kiên nhẫn chiến lược, khả năng thiết kế và chỉ đạo các chiến dịch phức tạp đồng thời ở các nơi; hành động pha trộn đa hình thái hợp nhất các kỹ thuật khủng bố và nổi dậy với chiến đấu thông thường.

Với sự tàn bạo về tư tưởng, sự gắn bó với việc tuyên truyền bằng hành động, kỹ năng tổ chức, cách tuyển mộ công dân phương Tây, sự thù ghét Mỹ và quyết tâm trở thành nhà lãnh đạo của chủ nghĩa thánh chiến toàn cầu, IS thẳng tay trả thù những quốc gia tham gia chống lại tổ chức này. Tiếng tăm của IS như một thỏi nam châm thu hút người nước ngoài, đặc biệt là người Hồi giáo trẻ tuổi quá khích từ châu Âu, làm sâu sắc thêm những mối lo sợ của phương Tây rằng, một số chiến binh cứng rắn sẽ muốn trở về quê nhà để âm mưu các cuộc tấn công tự đạo diễn. Chuỗi tấn công Paris được lên kế hoạch đến từng chi tiết, được điều hành bởi những người am hiểu Paris. Những nơi bị tấn công đều là khu vực dành cho giải trí, cho thấy từ nay người Pháp bị đe dọa ngay trong chính cuộc sống đơn giản thường ngày, tại những địa điểm thân thuộc nhất.

Báo Pháp Libération nói: “Sự tàn bạo của khủng bố đã vượt quá giới hạn”. Bắt cóc lượng lớn con tin ở Nhà hát Bataclan gợi lại vụ khủng bố ở nhà hát Mátxcơva (2002, ít nhất 129 người chết). Các vụ nổ diễn ra liên tiếp cùng thời điểm khiến ta liên tưởng đến khủng bố Bombay (2008, 173 người chết). Đánh bom liều chết ở sân vận động rất giống với vụ ở Beyrouth (1983, 241 người chết). Lần này, tất cả hợp thành trong một vụ - đó chính là sự leo thang của chủ nghĩa khủng bố.

Xu thế toàn cầu hóa mà tất cả các quốc gia đang tiến hành lại chính là môi trường lý tưởng để các nhóm khủng bố xuyên quốc gia phát triển. Ranh giới giữa khủng bố trong phạm vi một đất nước và khủng bố xuyên quốc gia đang ngày càng lu mờ. Do đó, chiến dịch chống khủng bố toàn cầu đang đòi hỏi sự đoàn kết giữa các nước để chống lại các nguy cơ khủng bố ở từng quốc gia, từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Rõ ràng, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu có thất bại phần nào là về mặt chính sách chứ không hẳn về mặt quân sự hay tình báo. Chính vì vậy, áp dụng đồng thời các biện pháp ngoại giao, kinh tế và giải giáp các nhóm vũ trang sẽ hiệu quả cao hơn bởi thực tế đã cho thấy việc tuyên bố một cuộc chiến quân sự chống lại khủng bố với các biện pháp mạnh sẽ chỉ mang lại những kết quả hạn chế, chưa kể nó sẽ không bao giờ giải quyết được tận gốc của vấn đề.

LÊ VÂN

Tin cùng chuyên mục