Quá khổ vì tiếng ồn!

Ba lần bị hại
Quá khổ vì tiếng ồn!

Hiện nay, tại TPHCM vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, quán karaoke, quán “hát với nhau”, quán nhậu... gây ô nhiễm tiếng ồn đến mức “tra tấn” cư dân trong khu dân cư.

Ba lần bị hại

Vụ việc xảy ra đã hơn một tháng, nhưng vợ chồng ông Võ Thanh Tâm (ngụ tại 53/2 đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang, quận 1) vẫn còn chưa hết bức xúc. Ông Tâm kể: “Tôi đã nhiều lần làm đơn thư phản ánh hoạt động kinh doanh karaoke không phép của nhà hàng Thiên Sứ (số 57 Nguyễn Khắc Nhu, sau đổi tên thành Morgan và nay mang tên High Heel). Cứ sau mỗi lần tôi gửi đơn thư phản ánh, gia đình tôi lại bị hại. Lần đầu, có kẻ xấu tạt mắm tôm vào nhà tôi. Lần sau, cây cảnh trước nhà tôi bị lấy đi mất. Và vào cuối tháng 11, tôi và vợ đã bị bọn lưu manh chặn đường đánh trên đường Trần Đình Xu, vợ tôi bị một vết thương dài trên mặt, còn tôi bị một số thương tích trên người. Do sợ bị phơi nhiễm HIV, vợ chồng tôi phải uống thuốc cả tháng, rất ngầy ngật, khó chịu trong người. Các vụ việc đó chúng tôi đều trình báo với công an, nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi”.

Điểm kinh doanh karaoke trái phép High Heel gây ồn ào về đêm làm ảnh hưởng đến đời sống cư dân xung quanh

Nhận được lời kêu cứu của ông Tâm, PV Báo SGGP đã đến xác minh thực tế. Đúng là quán High Heel tổ chức ca nhạc vào tầm 21 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Nhà ông Tâm sát vách với quán High Heel nên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Âm thanh ầm ầm gây rung tường nhà, khiến cho bà ngoại ông Tâm (năm nay 86 tuổi) và mẹ vợ ông Tâm (60 tuổi) liên tục bị mất ngủ.

Cư dân ngụ gần quán cà phê ở góc đường Bùi Viện - Cống Quỳnh (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) cũng liên tục phản ánh nỗi khổ vì quán cà phê này mở nhạc quá lớn mỗi tối. Ông Thuận (ở ngay tầng trên) than: “Tiếng ồn làm cả nhà không thể nào nghỉ ngơi, các cháu không thể học. Mọi sinh hoạt của gia đình tôi và các hộ dân trong tòa nhà này đều đảo lộn, phải thức chịu đựng tiếng ồn hàng đêm và ngủ bù vào ban ngày”.

Lẽ nào bó tay?

Bà Nguyễn Võ Uyên Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Cô Giang, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần nhận điện thoại của gia đình ông Tâm phản ánh và rất cảm thông nỗi khổ của gia đình ông. Nhưng các hành vi vi phạm ở các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm như nhà hàng ăn uống, karaoke… rất khó xử lý, bởi họ lách luật bằng cách liên tục thay tên, đổi chủ. Bị quận xử phạt, họ đóng cửa, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn sau lại có giấy phép khác để hoạt động trở lại. Quán High Heel cũng vậy. Chỉ từ tháng 7-2015 đến nay, tại địa chỉ này, UBND quận 1 đã bốn lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hàng chục triệu đồng. Họ đối phó bằng cách đã thay tên, đổi chủ ba lần và rồi lần nào cũng vi phạm như nhau. Cả phường Cô Giang có 1 điểm kinh doanh này vi phạm tiếng ồn, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, không để tình trạng này xảy ra. Lúc trước khi tiếp nhận thông tin vụ việc, chúng tôi phải xếp lịch lập đoàn kiểm tra. Nay chúng tôi áp dụng giải pháp cơ động và linh hoạt hơn, khi được người dân phản ánh, chúng tôi tổ chức ngay đoàn kiểm tra để giải quyết vụ việc. Về chuyện gia đình ông Tâm bị hại, vụ việc đã được cơ quan công an ghi nhận”.

Thực tế không phải chính quyền các phường thờ ơ trước nạn ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư. Khi người dân phản ánh, các cán bộ phường đã đến hiện trường để xác minh thông tin, rồi tổ chức đoàn kiểm tra, lập biên bản xử lý. Nhưng quá khó để chính quyền các phường xử lý vi phạm dứt điểm. Điều 12 Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt từ 10 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi không có biện pháp hạn chế tiếng ồn. Quy định rất rõ, nhưng thực tế để xác minh mức độ gây ồn để có căn cứ xử phạt, chính quyền phường phải làm văn bản gửi về quận đề nghị lập đoàn kiểm tra và hỗ trợ máy chuyên dùng, bởi các phường đều không có trang bị máy đo tiếng ồn.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục