Mới đây tại TPHCM, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã có cuộc gặp mặt các sở KH-CN địa phương, các doanh nghiệp (DN)… để đánh giá thị trường KH-CN trong mấy năm qua. Tại đây, nhiều ý kiến cho thấy cần có các biện pháp bứt phá thì thị trường KH-CN mới bức phá được.
Ông Bùi Văn Quyền, nguyên Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam (Bộ KH-CN) phát biểu: Tính liên kết giữa nhà khoa học và thị trường còn yếu nên những kết quả nghiên cứu của họ không được thị trường tiếp nhận. Nhiều DN cần những sản phẩm cụ thể từ những nghiên cứu thị trường, trong khi đó các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu KH-CN chỉ đi vòng vòng bên ngoài cuộc sống. Ông Quyền còn nhấn mạnh: “Người làm chính sách về KH-CN không hiểu được thị trường nên chính sách ban ra chỉ có lợi cho các cơ quan quản lý…”. Vì thế, ông Quyền cho rằng, đã đến lúc cần “mở cửa hoàn toàn cho thị trường chuyển giao KH-CN”.
Mỗi năm, ngân sách quốc gia chi từ 1,5% - 2% cho hoạt động KH-CN nhưng các kết quả KH-CN sử dụng ngân sách đóng góp còn hạn chế cho xã hội, đây cũng là vấn đề đặt ra và cũng khiến cho thị trường không có sản phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN. Theo như ông Phạm Đức Nghiệm, Cục phó Cục Phát triển thị trường và DN KH-CN (Bộ KH-CN): Vì không có cạnh tranh giữa những người bán hàng, khung pháp lý dành cho thị trường KH-CN chưa đầy đủ, chưa tổ chức các hoạt động hỗ trợ kinh doanh nên các sản phẩm KH-CN hiện nay “trùm mền” trong tủ của các cơ sở KH-CN, các cơ quan quản lý nhà nước, viện - trường… cũng là nguyên nhân làm cho thị trường KH-CN kém phát triển như hôm nay.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc sở KH-CN TPHCM, cho rằng: “Nên để các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (Trung tâm R&D) giữ vai trò trung gian giữa các nhà khoa học, viện trường, cơ sở KH-CN công lập với thị trường. Theo ông Dũng, các Trung tâm R&D hiểu được 2 “ngôn ngữ”: ngôn ngữ thị trường và ngôn ngữ khoa học. Họ biết thị trường cần gì để từ đó sản xuất những kết quả nghiên cứu của giới hàn lâm… như là một “lối mở” cho thị trường KH-CN hiện nay”.
Hiện nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, TPHCM… đã thành lập được các sàn giao dịch công nghệ, nhưng hoạt động của các sàn giao dịch này chưa thực sự hiệu quả và chưa khẳng định được vai trò thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN. Song song đó, thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ khởi sắc chính là sự hình thành và phát triển của các chợ công nghệ và thiết bị - Techmart Việt Nam. Nhưng thị trường KH-CN vẫn chưa thực sự phát triển do sản phẩm công nghệ chất lượng cao còn ít, các giao dịch trên thị trường KH-CN còn nghèo nàn.
Hội nghị lần này đã nhận được vô số ý kiến sát đáng và tất cả được nêu lên trên tinh thần góp ý xây dựng rõ ràng nên mọi ý kiến đã được tiếp thu thấu đáo. Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng còn đặc biệt yêu cầu Cục Phát triển thị trường và DN KH-CN tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho phát triển thị trường công nghệ và DN KH-CN.
BÁ TÂN