Hôm qua (13-5) Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo lần thứ 7 về Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến (game online - GO). Tại hội thảo, các doanh nghiệp cung cấp trò chơi trực tuyến và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước đã có những ý kiến khá căng thẳng chung quanh việc quản lý GO như thế nào là hợp lý.
Công tác quản lý: đầu chặt sau lơi
Cho rằng GO là dịch vụ cần thiết phải quản lý, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn đưa dẫn chứng việc báo chí gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về bạo lực học đường dưới nhiều hình thức do tác động của trò chơi gây ra. Thực tế GO cũng có 2 mặt tiêu cực và tích cực.
“Nếu cấm hết GO có chấm dứt được bạo lực học đường, những hành vi phi văn hóa hay không? Vậy chúng ta cần làm là vừa quản lý, vừa tạo điều kiện để dịch vụ GO phát triển đúng với thuần phong mỹ tục, hoạt động trong khuôn khổ luật quy định” - Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử Lưu Vũ Hải cho rằng, dự thảo quy chế sẽ tăng cường chất lượng việc thẩm định nội dung GO trước khi cấp phép; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau khi game phát hành và tăng trách nhiệm, quyền lợi của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO.
Theo thống kê, đến cuối năm 2009, tại Việt Nam có 58 trò chơi GO, trong đó tới 90% được Việt hóa. Từ tháng 6-2006, Bộ Công an, Bộ VH-TT, Bộ BC-VT đã ban hành Thông tư 60 liên tịch về GO và đến nay đây vẫn là cơ sở pháp lý để quản lý dịch vụ này.
Tuy nhiên, không chỉ cộng đồng người chơi (game thủ) và xã hội, mà ngay các cơ quan quản lý nhà nước và những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này đều thấy có nhiều bất cập: Việc quản lý GO chỉ chặt chẽ thời gian đầu, sau đó hầu như người chơi và cả các đại lý Internet, các doanh nghiệp đều tìm cách lách luật; việc quy định giờ chơi, quản lý thông tin người chơi, tình trạng buôn bán vật ảo trong GO tràn làn... Phải thay thế Thông tư 60 là điều đã được bàn cách đây 3 năm. Và lần này, quy chế quản lý GO sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Dự kiến tháng 6 Bộ TT-TT sẽ trình Chính phủ xem xét bản dự thảo này.
Kiểm soát và giám sát
GO mới phát triển ở nước ta trong khoảng thời gian 5 năm. Với hơn 23 triệu người sử dụng Internet và độ tuổi dân số trẻ, Việt Nam được xem là thị trường lớn của GO. GO có mặt tích cực là đã góp phần mở rộng, tăng cao số người sử dụng Internet, bước đầu thu hút và giải quyết việc làm cho một bộ phận người làm dịch vụ này. Các nước đi trước đã đưa vào khuôn khổ quản lý và GO đã mang lại nguồn thu rất lớn. Vậy tại sao nước ta không có cách quản lý hiệu quả để phát triển ngành này? Do vậy các văn bản quy phạm cần phải điều chỉnh phù hợp với sự phát triển...
Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng không nên khuyến khích phát triển GO và đề nghị áp dụng tương tự như quản lý thuốc lá, rượu, thậm chí như ma túy. Mặt khác, cần phải thẩm định kỹ nội dung và cương quyết loại bỏ hẳn các trò chơi khiêu dâm, cờ bạc... Trong khi đó, đại diện Trung ương Đoàn cho rằng, cần khuyến cáo về GO như đối với mặt hàng thuốc lá. “Vì sao chọn tuổi 14 để giới hạn chơi GO mà không phải là 16.
Tại hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng, cần làm rõ các khái niệm: trò chơi đơn giản, trò chơi bình thường; thế nào là trò chơi bạo lực, đồi trụy... để từ đó có cơ sở phân loại các GO và có biện pháp xử lý phù hợp.
Trong khi đó, đại diện của VinaGame và VTC Intecom, 2 nhà cung cấp dịch vụ GO lớn nhất Việt Nam hiện nay đều cho rằng, quản lý giờ chơi GO đi ngược với bản chất của Interrnet là “không biên giới”. Tức việc quản lý nếu áp đặt sẽ chỉ kiểm soát được các game cung cấp từ Việt Nam và không kiểm soát được game có máy chủ đặt ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng game Việt Nam ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng bởi quy định giờ của Việt Nam. “Thiết nghĩ, việc giới hạn thời gian cung cấp dịch vụ chỉ nên áp dụng đối với các đại lý Internet, bởi ở đó người chơi ít bị kiểm soát. Còn đối với người sử dụng dịch vụ giải trí tại nhà, họ đã chịu sự quản lý, giám sát của gia đình nên hoàn toàn ở thế chủ động trong việc sử dụng dịch vụ” – đại diện VTC Intecom phát biểu.
TRẦN LƯU