Quản lý nhà nước với bóng đá

Việc Tổng cục TDTT dự kiến tổ chức hội thảo để tìm cách phát triển bóng đá Việt Nam mạnh hơn được cho là không đúng chức năng của một cơ quan quản lý nhà nước. Lý do rất cơ bản: theo quy định của FIFA thì chính quyền không được can thiệp vào hoạt động của các liên đoàn. Thế nên, dù có tổ chức hội thảo và đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhất thì Tổng cục TDTT cũng đâu thể ép buộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải thực hiện, bởi lẽ ra VFF mới là đơn vị tổ chức hội thảo và sau đó bắt tay vào làm. Nếu tổ chức này chưa đủ khả năng hoặc chưa muốn làm, có tổ chức bao nhiêu cuộc hội thảo cũng bằng thừa.

Đây chính là cốt lõi, là vướng mắc lớn nhất giữa đơn vị quản lý nhà nước với các liên đoàn thể thao, không chỉ trong bóng đá mà còn ở nhiều môn có tính chuyên nghiệp cao khác như quần vợt, bóng chuyền. Ở đây, vấn đề là chưa có sự rạch ròi về mặt trách nhiệm.

Lấy ví dụ tại Anh, nơi có giải bóng đá ngoại hạng lớn nhất thế giới với doanh thu khổng lồ. Trước tình hình bóng đá Anh sa sút chất lượng, Bộ Thể thao Anh cũng không thể yêu cầu LĐBĐ Anh phải làm gì mà thay vào đó, bộ thông qua các đơn vị thành viên ở những địa phương tổ chức các cuộc biểu tình, yêu cầu LĐBĐ Anh phải có tiếng nói buộc ban tổ chức giải ngoại hạng phải trích một phần doanh thu để hỗ trợ các cơ sở đào tạo thể thao. Rồi Bộ Thể thao Anh phối hợp cùng LĐBĐ Anh và ban tổ chức giải ngoại hạng xây dựng chiến lược phát triển các cơ sở dạy và tập luyện bóng đá với ngân sách lên đến 260 triệu bảng trong 4 năm. Số tiền này được trích từ khoản đầu tư 1 tỷ bảng Anh mà giải ngoại hạng “hứa” sẽ dành cho công tác phát triển nền tảng bóng đá trên toàn quốc gia.

Như vậy, dù không trực tiếp can thiệp vào hoạt động của bóng đá chuyên nghiệp, nhưng vai trò quản lý nhà nước của Bộ Thể thao Anh rất rõ ràng, bởi chính bộ này đang quản lý những thành phần cực kỳ quan trọng mà những CLB chuyên nghiệp đang phải lệ thuộc, đó chính là hệ thống đào tạo trẻ tại các địa phương. Và với trách nhiệm của mình, Bộ Thể thao Anh không thể để việc giải ngoại hạng thì giàu có nhất thế giới, nhưng hệ thống cơ sở lại không đào tạo được cầu thủ tốt cho bóng đá Anh.

Trở lại bóng đá Việt Nam. Hiện Tổng cục TDTT vẫn có bộ môn bóng đá nhưng chủ yếu làm công tác văn thư. Tổng cục TDTT là nơi ban hành Quy chế chuyên nghiệp, một bộ “luật bóng đá” áp dụng trên toàn quốc. Và trên hết, Tổng cục TDTT vẫn đang là cơ quan cao nhất quản lý hệ thống đào tạo VĐV, trong đó có bóng đá tại tất cả các tỉnh, thành. Hiện nay, 2/3 trong số 40 đội bóng tham gia các giải từ V-League đến hạng nhì vẫn đang trực thuộc ngành thể thao các tỉnh, thành thì có thể nói, bóng đá Việt Nam trên thực tế vẫn chưa thể tách rời khỏi cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ngay cả V-League cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, độc lập.

Như vậy, cần phải đề cập đến trách nhiệm của Tổng cục TDTT với thực trạng sa sút của bóng đá Việt Nam hiện nay. Trách nhiệm này bao gồm 2 phần: Thứ nhất, liệu Tổng cục TDTT đã giao toàn quyền điều hành cho VFF chưa hay vẫn có chuyện “cài cắm” người của mình sang kiêm nhiệm, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” gây cản trở cho hoạt động của VFF (cũng như nhiều liên đoàn thể thao khác). Thứ hai, vai trò của bộ môn bóng đá tại Tổng cục TDTT có được thể hiện rõ hay không? Tại sao Quy chế chuyên nghiệp do Bộ VH-TT-DL phê duyệt buộc các đội phải có tối thiểu 4/5 tuyến trẻ dự các giải cùng lứa tuổi, nhưng tại giải U.21 năm 2015 chỉ có 13 trên tổng số 24 CLB V-League và hạng nhất tham gia? Mỗi năm, VFF nhận 10 tỷ đồng tiền hỗ trợ phát triển bóng đá từ Công ty VPF, nhưng số tiền này được sử dụng ra sao, có được Tổng cục TDTT giám sát hay không, trong khi ngân sách của các địa phương vẫn phải rót đều đều cho hoạt động đào tạo cầu thủ mà chính các CLB chuyên nghiệp đang thụ hưởng một phần. Rồi việc đưa bóng đá vào học đường, quy hoạch các sân bóng, trung tâm, học viện bóng đá, các cơ chế khuyến khích đầu tư… đều thuộc thẩm quyền phê duyệt  của Tổng cục TDTT chứ không phải của VFF.  

Có thể nói, vai trò của Tổng cục TDTT không phải là tổ chức hội thảo hay xây dựng kế hoạch phát triển mà đóng vai trò giám sát, quản lý những tổ chức dưới quyền hoặc do mình ủy quyền điều hành nền bóng đá và thể thao nói chung. Bởi nói cho cùng, chính Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT-DL phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân về thành tích của nền thể thao cũng như sự phát triển thể chất của người dân. Một khi các đội tuyển quốc gia thi đấu kém, hoạt động èo uột, kém chất lượng thì cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm cao nhất.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục