Quay cuồng... học thêm

Con số 80% học sinh ở TPHCM phải học thêm đã cho thấy bức tranh dạy thêm, học thêm ở TPHCM vẫn nhộn nhịp và thị phần này vẫn đầy tiềm năng. Thế nhưng, điệp khúc học ở trường hai ca chưa đủ, tối về học thêm ca ba và đêm khuya phải gồng mình học thuộc bài, làm bài tập… sẽ đẩy học trò đến đâu?
Quay cuồng... học thêm

Con số 80% học sinh ở TPHCM phải học thêm đã cho thấy bức tranh dạy thêm, học thêm ở TPHCM vẫn nhộn nhịp và thị phần này vẫn đầy tiềm năng. Thế nhưng, điệp khúc học ở trường hai ca chưa đủ, tối về học thêm ca ba và đêm khuya phải gồng mình học thuộc bài, làm bài tập… sẽ đẩy học trò đến đâu?

Học để thi

Tối thứ bảy ngày 29-11, dạo quanh khu vực dạy thêm-học thêm ở trung tâm quận 1 sẽ thấy bức tranh phụ huynh chờ đón con học thêm ở các trung tâm văn hóa ngoài giờ vẫn luôn nhộn nhịp. Ở cổng Trường THCS Minh Đức, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, Trường THPT Tenlơman…, hàng trăm phụ huynh - kẻ đứng, người ngồi trên xe tán chuyện, chờ con ra về. Phụ huynh nhà ở xa thì tranh thủ gục đầu, ngả lưng trên xe máy cho đỡ mệt.

Theo chị Hương ở quận Bình Thạnh và một số phụ huynh ở các quận ven như 7, 9…, trời khô ráo còn đỡ, chứ mưa gió cũng phải đội mưa, chịu lạnh ở cổng trường đợi đón con.

Phụ huynh chờ đón con học thêm tại Trường THCS Minh Đức quận 1 TPHCM.

Ngày cuối tuần lẽ ra phải được nghỉ ngơi, vui chơi sau 6 ngày học hành căng thẳng nhưng lịch học thêm của nhiều học sinh bậc THCS, THPT vẫn phủ kín đến ca cuối cùng - hơn 21 giờ. Làm một khảo sát nhỏ về lý do phải học thêm, đa phần phụ huynh đều cho rằng học ở trường con cháu của họ không hiểu bài, không theo kịp chương trình, điểm số thấp. Hơn nữa, mục tiêu học thêm để chuẩn bị thi vào các trường tốp ở đầu cấp học và thi đại học.

Anh Hoàng Chí nhà ở quận 9 cho biết: “Tôi có hai con trai đều học thêm ở trung tâm văn hóa ngoài giờ Lý Tự Trọng (quận 1) từ lớp 6. Đứa lớn đã đậu đại học. Hy vọng đứa em đang học lớp 7 cũng bước vào đại học như anh nó…”.

Tương tự, chị Hằng nhà ở quận 11, có con học lớp 10 ở Trường THPT Trưng Vương, cũng khẳng định như đinh đóng cột là “nhờ học thêm 4 môn Toán, Lý, Hóa, Văn, con mình mới theo kịp chương trình, hiểu bài và đạt danh hiệu học sinh giỏi mỗi năm”.

Còn anh Tùng có con gái học ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai bộc bạch: “Đưa đón con đi học thêm cực khổ lắm nhưng phải cố thôi vì trong lớp của cháu hầu hết đều học thêm từ nhà thầy cô cho đến trung tâm. Hơn nữa, nếu không học thêm thì chẳng thể nào thi đậu đại học…”.

Không thể phủ nhận dạy thêm đã giúp nhiều giáo viên cải thiện thu nhập, trong đó giáo viên giỏi, có thương hiệu “trùm” các bộ môn tự nhiên có thể kiếm tiền tỷ mỗi năm. Một giáo viên dạy giỏi nhưng không dạy thêm cho biết: “Tôi chứng kiến và thấy nhiều giáo viên dành hết tâm lực, thời gian cho dạy thêm nên đến lớp dạy chính khóa, họ không còn sức lực, chỉ dạy qua loa, ít chú tâm học trò có hiểu hay không”.

Một học sinh ở trường THPT có tiếng ở TPHCM kể lại: “Khi dạy lớp chọn môn Lý ở trung tâm ngoài giờ Lý Tự Trọng thì cô giáo con dạy rất dễ hiểu. Còn dạy ở trên lớp thì cô dạy nhanh, cho công thức bắt học sinh tự làm bài tập nên hầu hết các bạn không đi học thêm, không thể làm bài…”.

Về phía học trò, khi phải học thêm quá nhiều, bị nhồi nhét kiến thức quá sức, thực hành các dạng bài tập nâng cao liên tục sẽ khiến các em bội thực, giải bài tập như cái máy, học thuộc các dạng bài làm như “con vẹt”.

Ở một số trường THPT tư thục ở TPHCM đang hút học sinh vào học bằng cái mác đậu đại học với tỷ lệ rất cao. Ở đây, học sinh được luyện thi như gà chọi và mỗi ngày phải giải hàng chục dạng bài tập khó, đề thi đại học qua các năm… Với thời khóa biểu học chính khóa, học bồi dưỡng, ôn luyện từ sáng đến đêm khuya sẽ khiến học sinh bị ức chế, mất khả năng tư duy, tự học.

Tuy nhiên, cũng có vài phụ huynh cho biết, ở nhà con họ không chịu tự học, tự làm bài tập và hở ra là chơi games nên phải bắt đi học thêm. Thôi thì có đủ lý do viện dẫn cho việc “phải học thêm” của hàng chục ngàn phụ huynh ở TPHCM và mỗi đêm họ tần tảo như những tài xế xe ôm tự nguyện đưa đón con nạp thêm kiến thức, nâng cao trình độ ngoại ngữ từ trung tâm lớn đến điểm dạy thêm nhỏ lẻ.

Khó kiểm soát?

Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành quy định về dạy thêm, học thêm nhằm kiểm soát, hạn chế những tiêu cực trong hoạt động này. Thế nhưng, việc dạy thêm, học thêm vẫn phát triển rầm rộ và có dấu hiệu lách để đối phó với quy định mới. Cụ thể, nhiều trường THCS, THPT đã tìm cách thu hút học sinh học thêm tại trường bằng lá đơn đăng ký “tự nguyện” học vì có nhu cầu.

Không phủ nhận việc dạy thêm tạo nguồn thu khá lớn, giúp nhiều giáo viên có thêm thu nhập chính đáng, nhiều hiệu trưởng còn cho rằng hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng học sinh. Hơn nữa, chi phí học sinh phải đóng tại trường nhẹ hơn nhiều so với học thêm ở bên ngoài.

Việc công khai học thêm này sẽ tránh được tình trạng giáo viên cố tình “chèo kéo” học sinh về nhà dạy thêm. Vậy nhưng, nhiều trường cũng chỉ thu hút được 30%-50% số lượng học sinh, bởi tâm lý chung của phụ huynh, học sinh thích đăng ký học ở bên ngoài, ở nơi có “mác” thầy giỏi, trung tâm uy tín.

Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ được gì, mất gì khi chỉ là “cái bóng” của thầy cô, là những “con vẹt” hiện đại làm toán giỏi, nhớ nhiều công thức nhưng thiếu tư duy tự lập, tự học, tự nghiên cứu. Như thế dạy thêm - học thêm vẫn lợi ít, hại nhiều và chúng ta phải làm gì để giải cứu học trò khỏi “vòng kim cô” học thêm như những con thiêu thân và không có điểm dừng như hiện nay?

HÀ KHANH

Tin cùng chuyên mục