Quy định cụ thể hình thức tố cáo qua điện thoại ​

Ở dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), điểm mới hơn trong hình thức tố cáo qua điện thoại là phải có số điện thoại rõ ràng để người dân liên hệ.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp

Sáng nay, 7-2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 21, phiên họp cuối cùng trước thềm năm mới Mậu Tuất.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã xem xét, thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Đây là dự án được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp, dài hơn 1 kỳ so với thông lệ.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Định, dự thảo Luật trình UBTVQH lần này đã được chỉnh lý chỉnh lý 63/72 điều, bổ sung 2 điều, bỏ 8 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 9 Chương với 66 điều.

Trong đó, đáng lưu ý là quy định về hình thức tố cáo (Điều 18). Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội về việc bổ sung các hình thức tố cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thống nhất quy định như sau:

“Điều 18. Hình thức tố cáo

1. Việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.

2. Văn bản tố cáo bao gồm bản giấy, bản fax, thư điện tử.

3. Tố cáo bằng lời nói bao gồm: người tố cáo trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc với cá nhân có thẩm quyền; tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền”.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo. Cụ thể là quy định cụ thể về các điều kiện để tiếp nhận tố cáo tương ứng với từng hình thức; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải công khai địa chỉ trụ sở làm việc, hòm thư điện tử (email), điện thoại, số fax để người tố cáo gửi tố cáo đến đúng địa chỉ quy định;  xác định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc kiểm tra, xác minh điều kiện thụ lý tố cáo trước khi quyết định thụ lý hay không thụ lý tố cáo. Trong hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo phải bao gồm báo cáo hoặc biên bản kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ người tố cáo, biên bản làm việc trực tiếp với người tố cáo để xác minh nội dung tố cáo (nếu có).

Đồng thời, dự thảo cũng đã bổ sung quy định nghiêm cấm đối với các hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, sử dụng họ, tên của người khác để tố cáo hay lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Đây là các quy định nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về thời hiệu tố cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thống nhất đề nghị không quy định thời hiệu tố cáo.

“Bởi vì bản chất của tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật, giúp cơ quan nhà nước phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật và khắc phục hậu quả (nếu có) để khôi phục, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, không thể buộc từng cá nhân phải xác định xem có còn thời hiệu hay không trước khi quyết định thực hiện quyền tố cáo. Việc cân nhắc, đánh giá về tính chất, mức độ nghiêm trọng, chế tài xử lý đối với hành vi bị tố cáo phải là trách nhiệm của cơ quan nhà nước”, ông Nguyễn Khắc Định lập luận. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng nói thêm, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực vào đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, Luật Tố cáo không nên quy định về thời hiệu tố cáo, mà chỉ nên quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền không thụ lý đối với tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm. Vấn đề thời hiệu xử lý đối với mỗi loại hành vi vi phạm pháp luật đều đã được quy định trong các văn bản pháp luật khác và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Góp ý về dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn về tính khả thi, độ xác thực của hình thức tố cáo qua điện thoại. Về thời hiệu tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng vẫn nên quy định thời hiệu để tạo điểm dừng và để ổn định tình hình xã hội trong vấn đề giải quyết tố cáo. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng ý mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, nhưng đề nghị tiếp tục làm rõ người tiếp nhận điện thoại là ai, lãnh đạo hay nhân viên. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, cũng cần làm rõ về xử lý tráchn hiệm của người tiếp nhận, giải quyết tố cáo trong trường hợp tố cáo chưa được giải quyết đúng thời hạn, vì có nhiều tố cáo cần thời gian dài để xác minh, xử lý.

Tuy nhiên, giải trình sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc tố cáo qua điện thoại không phải nội dung mới, mà đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng. “Ở dự thảo Luật này, điểm mới hơn là phải có số điện thoại rõ ràng để người dân liên hệ; nhận được tố cáo thì phải tiến hành các thủ tục như khi người đến tố cáo trực tiếp, ghi chép lại tên tuổi, số CMND của người tố cáo, nội dung tố cáo để cơ quan chức năng tiến hành xác minh, xong thì mới quyết định có chính thức thụ lý giải quyết hay không”, ông Định cho biết. Về việc không quy định thời hiệu trong dự thảo này là vì đã có quy định trong các luật khác chứ không phải tiếp nhận giải quyết không có điểm dừng. 

Tin cùng chuyên mục