Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và uy tín của các doanh nghiệp chân chính, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng. Trước tình trạng này, Nhà nước ta có các quy định pháp luật chế tài xử phạt hành chính, hình sự đối với hành vi sản xuất, bán buôn, nhập khẩu hàng giả.
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì hàng giả bao gồm hàng giả mạo về nội dung (hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa hoặc giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa…), hàng giả mạo về hình thức (hàng hóa có nhãn, bao bì giả mạo tên thương nhân, địa chỉ, tên thương mại hoặc tên thương phẩm của thương nhân khác…), hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ và tem, nhãn, bao bì giả.
Trên thực tế có một số hàng hóa được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng không đảm bảo an toàn, hoặc có khả năng gây thiệt hại đến người tiêu dùng, trong trường hợp này được gọi là hàng hóa khuyết tật theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 chứ không phải là hàng giả. Do đó, việc phân biệt giữa hàng giả và hàng hóa khuyết tật có ý nghĩa quan trọng trong cách ứng xử của người tiêu dùng khi gặp hàng hóa này và cách xử lý của cơ quan nhà nước đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Bởi vì, hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa khuyết tật thì không bị coi là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
Với tính chất nghiêm trọng và phổ biến của hàng giả, pháp luật Việt Nam đã ban hành chế tài hành chính, hình sự đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng giả. Đối với chế tài hành chính, theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, các cá nhân thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán nhập khẩu hàng giả sẽ bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, còn với tổ chức sẽ áp dụng mức phạt tối đa 400 triệu đồng.
Ngoài việc phạt tiền, các cá nhân, tổ chức còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong một thời gian; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất… Đồng thời, còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: tiêu hủy hàng giả; buộc tái xuất hàng giả đã nhập khẩu từ nước ngoài; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…
Còn đối với chế tài hình sự, nếu các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, thì các cá nhân, tổ chức đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 156 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 157 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng); Điều 158 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi) và Điều 171 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) của Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt cao nhất của các tội này có thể lên đến tù chung thân hoặc tử hình. Thông qua các hình phạt hành chính và hình sự, Nhà nước đã ban hành các chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (Văn phòng Luật sư PHANS)