Quy định về sắt, kẽm trong thực phẩm: Chính phủ bỏ, bộ chưa bỏ

5 hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm vừa đồng kiến nghị tháo gỡ ngay những bất cập trong quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm chế biến. Đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp bức xúc cho một nghị định đã có tuổi đời gần 5 năm. 

Đại diện các hiệp hội cho rằng, Nghị định 09-2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định “muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt” (có hiệu lực áp dụng từ ngày 15-3-2017) và quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” (có hiệu lực áp dụng từ ngày 15-3-2018) đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Cụ thể, iốt với tính chất là một chất oxy hóa mạnh, nếu bổ sung vào muối thường thì không có phản ứng nhưng khi bổ sung vào thực phẩm và trải qua quá trình chế biến với nhiệt, ẩm thì iốt dễ dàng phản ứng với các thành phần trong thực phẩm làm các sản phẩm bị biến mùi, vị, màu sắc.

Trên thực tế, nhiều thị trường xuất khẩu đã từ chối một số sản phẩm có bổ sung iốt và sản phẩm làm từ bột mì có bổ sung sắt, kẽm… làm ảnh hưởng không tốt đến doanh số, lợi nhuận của doanh nghiệp và một số tình huống còn tác động sâu rộng đến việc xuất khẩu của cả ngành hàng chế biến thực phẩm Việt Nam tại thị trường các nước nhập khẩu.

Quy định về sắt, kẽm trong thực phẩm: Chính phủ bỏ, bộ chưa bỏ ảnh 1 Doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn do quy định từ Nghị định 09-2016 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep, bức xúc cho biết, hiện để duy trì thị phần, mỗi lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Vasep phải kèm theo chứng thư cam kết không sử dụng iốt trong quá trình chế biến.

Cùng đó, quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, bởi phần lớn nguyên liệu bột mì từ các nước xuất khẩu không có quy định phải bổ sung sắt, kẽm vào bột. Nếu doanh nghiệp trong nước đề nghị bổ sung thêm cho đúng quy định trong nước thì không được nhà cung cấp chấp thuận. Và tình trạng này kéo dài suốt nhiều năm qua đã khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đứt gãy nguồn cung. 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP bãi bỏ quy định sử dụng iốt trong muối, cũng như bãi bỏ quy định về tăng cường sắt, kẽm trong bột mì dùng để chế biến thực phẩm. Thay vào đó, chỉ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng phù hợp với quá trình chế biến thực phẩm.

Thế nhưng cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có nghị định sửa đổi, thay thế chính thức Nghị định 09-2016 như chỉ đạo Chính phủ. Đã vậy, tháng 9 vừa qua, Bộ Y tế lại ban hành thêm một công văn khác gửi các hiệp hội, các doanh nghiệp thực phẩm và tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm Nghị định 09-2016. Đồng thời, Bộ Y tế lại đang tiến hành xây dựng dự thảo kế hoạch tăng cường thực thi Nghị định 09-2016.

Ông Vũ Thế Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, khẳng định, việc kéo dài quy định bất cập trên của Bộ Y tế, doanh nghiệp không những mất thị phần trên thị trường xuất khẩu mà còn “chết” ngay trên sân nhà. 

TS Đỗ Việt Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hóa học TPHCM cho rằng, quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng là iốt, kẽm, sắt là quy định phi thực tế bởi gây ra tình trạng cưỡng chế những người đủ, thừa vi chất này vẫn phải sử dụng. Trong khi đó, việc thừa vi chất dinh dưỡng như iốt, kẽm… có thể gây ra suy gan, tụy, suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ ngộ độc iốt.

Tại các thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… đang kiểm soát chặt việc sử dụng vi chất dinh dưỡng trên, thậm chí còn khuyến cáo người tiêu dùng phải giảm sử dụng vi chất dinh dưỡng, nhất là iốt.

Tin cùng chuyên mục