Mạng xã hội và các ứng dụng “chat” trực tuyến ngày nay không chỉ dùng để tán gẫu mà còn là nơi tìm kiếm thông tin. Bên cạnh các kênh truyền thống, tiểu thương ngày nay có thêm nhiều kênh khác nhằm tiếp cận thông tin chính thức của các tổ chức nhằm phục vụ cho việc vay vốn kinh doanh của mình.
“Chat” cùng tiểu thương
“Chào mừng bạn kết nối với cổng Zalo CommCredit – VPBank dành riêng cho tiểu thương”. Lần đầu tiên có một ngân hàng mạnh dạn sử dụng ứng dụng “chat” của bên thứ ba để mở rộng thêm kênh giao tiếp với khách hàng ngoài các kênh truyền thống như Call Center, website hay quầy giao dịch.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ về Internet và các thiết bị di động ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng chạy theo các ứng dụng trực tuyến để cung cấp dịch vụ, chăm sóc hoặc tìm kiếm khách hàng như một xu thế tất yếu.
Thực tế, hình thức đối thoại trực tuyến thông qua tính năng “chat” đã sẵn có trên các website của ngân hàng, nhưng phần lớn khách hàng ngại sử dụng.
Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng đều lập Fanpage chính thức trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, hoạt động Fanpage có xu hướng hỗ trợ cho việc xây dựng thương hiệu, bán hàng hơn việc chăm sóc, tư vấn cho từng nhu cầu, đặc điểm của khách hàng ở từng thời điểm thích hợp.
Trái ngược với sự hỗn hợp các đối tượng phản hồi trên Facebook, Zalo hướng trực tiếp đến từng nhóm khách hàng. Theo VPBank, Zalo dự kiến sẽ là kênh giao tiếp hữu hiệu bởi sẽ kết nối ngay lập tức và trực tiếp.
Tiểu thương được gì từ việc số hóa ngân hàng
Năm 2015, sau sự thành công của dự án thí điểm Hộ kinh doanh cá thể, VPBank chính thức thành lập thương hiệu CommCredit, được thiết kế chuyên biệt, cung cấp các các giải pháp tài chính dành cho khách hàng tiểu thương.
Khách hàng mục tiêu của CommCredit là cá nhân tự kinh doanh với doanh số từ 100 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng. Khác với các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, khách hàng của CommCredit có thể có hoặc không có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Đặc điểm này khiến cho nhóm tiểu thương, chủ hộ kinh doanh là đối tượng hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại. Chủ hộ kinh doanh thường phải tự mình giao dịch ngân hàng, tiểu thương ở sạp chợ không có thời gian để giao dịch trực tiếp hay tìm hiểu thông tin tại quầy. Vì vậy, những thông tin từ các ngân hàng thường bị bỏ lỡ.
Với mục tiêu phục vụ và chăm sóc cho đối tượng Tiểu Thương tốt hơn, kênh Zalo CommCredit - VPBank sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho các khách hàng vay hiện hữu như: Tra cứu tình trạng hợp đồng vay, theo dõi lịch trả nợ, nhắc hạn thanh toán, các chương trình khuyến mãi mới nhất…
Trong khi đó, những khách hàng tiềm năng muốn tìm hiểu về các gói vay, chỉ điền form đăng kí trong 30 giây, nhân viên CommCredit sẽ liên hệ tư vấn và phục vụ tận nơi trong vòng 24 giờ, đi kèm chương trình ưu đãi giảm 1% lãi suất khi đăng kí qua Zalo.
Mới niêm yết trên sàn chứng khoán gần đây, thêm lần nữa VPBank khẳng định phân khúc tiểu thương là một đối tượng mà ngân hàng này đặc biệt chú ý. Ngoài việc ra mắt kênh thông tin mới, sắp tới, ngân hàng dự kiến mở rộng mạng lưới các trung tâm của CommCredit, tiếp tục tăng cường đội ngũ bán hàng và đơn giản hóa các quy trình.
Đại diện Cổng thông tin Zalo CommCredit - VPBank cho biết, số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể với số lượng lao động lên đến 8 triệu người. Khoảng 50% khách hàng tiểu thương của CommCredit có tài khoản trên Zalo. Do đó, với kênh kết nối dành riêng cho cộng đồng tiểu thương trên Zalo, Zalo CommCredit - VPBank mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tối đa hóa tiện ích dành cho khách hàng tiểu thương và chủ hộ kinh doanh trên toàn quốc, qua đó từng bước trở thành sự lựa chọn hàng đầu về giải pháp tài chính chuyên biệt dành cho phân khúc khách hàng này để họ được tiếp cận vốn từ ngân hàng, tránh phải vay tín dụng đen bên ngoài.
Ghi nhận cho thấy, khoảng một tuần sau khi ra mắt cổng thông tin này vào 16-8, VPBank đã kết nối được hơn 20.000 khách hàng cùng cùng 50.000 lượt tương tác thông qua các tính năng: tra cứu 24/7, đăng ký vay 24 giờ…