Khúc ruột miền Trung đang trải qua trận lũ lụt kinh hoàng. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 13-10, mưa lũ đã làm ít nhất 44 người chết và mất tích (chưa tính số liệu tại thủy điện Rào Trăng 3 do đang xác minh), gây thiệt hại nặng về tài sản, cơ sở vật chất. Con số thiệt hại, mất mát sẽ còn tăng lên do tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp khi ngoài khơi liên tục xuất hiện những cơn bão mới, dồn dập đổ vào nước ta.
Trước đây, chúng ta thường đổ tại trời mỗi khi xảy ra bão lũ. Nhưng giờ đây, các bằng chứng chỉ ra rằng việc xây dựng thủy điện ồ ạt, khai thác khoáng sản bừa bãi, tàn phá môi trường, chặt phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chính là nguyên nhân khiến lũ chồng lũ, ngập lụt, sạt lở càng thêm trầm trọng.
Bao đời nay, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở biên giới, rừng chắn sóng ven biển không chỉ là lá phổi xanh mà còn là tấm lá chắn bão dông, bức tường thành ngăn lũ quét, xói lở. Tuy nhiên, những hình ảnh vệ tinh cũng như kiểm tra thực địa cho thấy, rừng ở nước ta đã bị tàn phá nặng nề. Nhiều nơi đua nhau phá rừng với mức độ rất nghiêm trọng.
Hiện nay, rừng đầu nguồn (chiếm tới 93% tổng diện tích rừng) có tác dụng ngăn chặn lũ lụt, chống xói mòn, bồi lắng... bị tàn phá với tốc độ nhanh, trên diện rộng ở nhiều nơi. Nhiều địa phương vì mục tiêu phát triển kinh tế vẫn bất chấp cho phép chuyển đổi đất đai, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát thành khu chế xuất, nghỉ dưỡng… Còn ở đầu nguồn, mặc dù đã ban hành nhiều chính sách nhưng do mức chi trả thấp nên không tạo động lực cho người dân giữ rừng. Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã đầu tư 50.231 tỷ đồng để thực hiện chính sách rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản nhưng do đơn giá hỗ trợ khoán bảo vệ rừng chỉ có 300.000 đồng/ha/năm nên tính ra, nếu được giao tối đa 30ha thì mỗi năm mỗi gia đình chỉ được hỗ trợ 9 triệu đồng - một con số rất nhỏ. Vì vậy, tiến độ phát triển diện tích rừng phòng hộ đến nay đã không đạt mục tiêu đề ra.
Số liệu của Bộ NN-PTNT xác nhận, hiện cả nước chỉ có khoảng 4,64 triệu ha rừng phòng hộ. Trong khi “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đề ra mục tiêu cần đạt 5,68 triệu ha rừng phòng hộ (chiếm khoảng 32% diện tích rừng của Việt Nam). Trong số diện tích rừng hiện có (chủ yếu đang giao cho 231 ban quản lý rừng phòng hộ thuộc các cấp khác nhau quản lý) chỉ có khoảng 330.000ha giao cho cộng đồng, hộ gia đình, lực lượng vũ trang và các bên khác quản lý. Song do năng lực quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm nên diện tích rừng phòng hộ sụt giảm ngày càng mạnh, có nơi phải điều chỉnh lại diện tích hàng chục lần trong vòng 10 năm.
Tại hội thảo về chính sách đầu tư và quản lý hệ thống rừng phòng hộ Việt Nam tổ chức ngày 13-10 ở Hà Nội, các chuyên gia đề nghị trong “Chiến lược phát triển rừng phòng hộ giai đoạn năm 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2040” cần làm rõ mục tiêu, các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ để bảo vệ an ninh môi trường, phòng chống thiên tai trong các năm tới.
Hiện Bộ NN-PTNT đã có chỉ thị đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo hoàn thành việc cắm mốc giới đất rừng để giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ nhưng đến nay việc này vẫn tiến hành rất chậm. Trong khi, một khi chủ thể quản lý rừng vẫn chưa được xác định thì nguy cơ rừng bị tàn phá vẫn sẽ còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, phải khẩn trương kiện toàn lực lượng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ không đúng mục đích; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng. Ngoài ra, phải chi trả dịch vụ môi trường rừng đúng đối tượng, đúng giá trị công sức lực lượng giữ rừng bỏ ra để từ đó góp phần tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt những khu rừng phòng hộ hiện có, tiến tới mở rộng thêm diện tích mới. Về dài hạn, chỉ có quyết liệt bảo vệ môi trường, nhất là giữ và phát triển mảng xanh rừng phòng hộ, thì tương lai mới có thể hy vọng giảm thiểu những thiệt hại, mất mát cũng như đau thương từ lũ lụt, mưa bão gây ra như người dân miền Trung đang phải oằn mình gánh chịu trong những ngày qua.