Sàn diễn và cuộc sống

Mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa hiện thực và nghệ thuật nói chung luôn là mối quan tâm hàng đầu của bất cứ ai làm văn học nghệ thuật, đặc biệt là người làm sân khấu. Tác phẩm sân khấu khi được viết, dựng, được diễn trước khán giả đều là đối tượng chú ý của công chúng, của dư luận. Có nhiều cách đưa hiện thực của đời sống lên sân khấu nhưng suy cho cùng có hai cách: Hoặc là minh họa hoặc là khái quát.

Người ta có thể minh họa hiện thực bằng cách mô phỏng nó trên sân khấu, nghĩa là tái hiện lại hiện thực nguyên xi như nó đã từng hiện hữu. Người ta cũng có thể sáng tạo ra một hiện thực bằng sự khái quát, nghĩa là phản ánh hiện thực qua khúc xạ của hư cấu, của tưởng tượng và cảm xúc. Cái hiện thực được nhào nặn bằng tưởng tượng và cảm xúc ấy tuy đồng dạng với hiện thực đời sống nhưng chứa đựng nhiều yếu tố mới, khác lạ, độc đáo, buộc người xem không thể thụ động mà phải tham gia vào quá trình hư cấu, sáng tạo. Nghĩa là người xem cũng phải tự thân vận động để tìm cho mình những ý nghĩa, những cảm thụ thẩm mỹ, những thích thú cá nhân khi cảm thụ vẻ đẹp của tác phẩm sân khấu.

Từ bao đời nay sân khấu luôn gắn với hiện thực và nâng tầm hiện thực lên như vậy để có được những tác phẩm sống mãi với thời gian.

Tạm chưa nhắc tới sân khấu thời kỳ hai cuộc kháng chiến sân khấu phải làm nhiệm vụ ca ngợi, cổ vũ, động viên người chiến sĩ ngoài chiến trường và người dân ở hậu phương... Từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20 cho đến nay, qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước, sân khấu luôn là người thư ký của thời đại, phản ánh trung thực hiện thực của thời đại và hơn thế, đôi lúc còn cất lên tiếng nói phản biện xã hội, dự báo tương lai...

Nhiều vấn đề bức thiết của đời sống được đặt ra, đòi hỏi sân khấu một cách tiếp cận mới đối với hiện thực xã hội và con người. Từ những khát vọng ấy sân khấu đã có những “Mùa hè ở biển”, “Tôi và chúng ta”, “Hồn Trương Ba”, “Nhân danh công lý”, những Xuân Trình, Lưu Quang Vũ, Doãn Hoàng Giang, Sỹ Hanh... Đó là những tiếng nói nghệ thuật đích thực, là những tìm tòi không mệt mỏi, những trăn trở bất tận xung quanh các vấn đề của đời sống như cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái thiện và cái ác, giữa tốt và xấu, giữa tiên tiến và lạc hậu, bảo thủ.

Từ khi đất nước mở cửa hội nhập, khi chúng ta tự tin “tiến ra biển lớn” thì hiện thực đời sống hôm nay phong phú hơn đồng thời cũng phức tạp hơn nhiều. Một số giá trị cũ không giữ được ý nghĩa một thời của nó trước hiện thực mới. Cũng có thêm những giá trị được hình thành khiến người ta phân vân khi chạm tới. Tốc độ phát triển nhanh của đời sống, của kinh tế, văn hóa, xã hội khiến lý luận không sao bắt kịp nhịp điệu phát triển của hiện thực. Không tiếp cận được, sân khấu đành để mình tụt hậu. Nguyên nhân sâu xa là các tác giả sân khấu không tự mình vận động theo kịp sự vận động của thời cuộc hoặc đã “rửa tay gác bút” hoặc chấp nhận thỏa hiệp viết theo thị hiếu để tồn tại. Công tác phê bình lại càng tỏ ra lúng túng.

Thiếu sự định hướng, dẫn dắt của lý luận phê bình, sân khấu rơi vào tình trạng mạnh ai nấy làm, xa rời học thuật, dần dần xa rời cả hiện thực - lẽ ra phải là động cơ, là lẽ sống của sân khấu.

Nếu những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ 20 sân khấu đã luôn đồng hành thậm chí đi trước cả hiện thực, nhằm tác động đến hiện thực, xây dựng một hiện thực tốt lành thì thập niên đầu của thế kỷ 21 sân khấu mới chỉ cố gắng bám vào hiện thực để không tụt hậu. Vì thế để sân khấu đồng hành với hiện thực của thời đại mới, đòi hỏi người làm sân khấu - nhất là các tác giả - phải gầy dựng lại những cảm xúc sâu xa một thời đã giúp mình gắn bó với hiện thực.

NSƯT TRẦN MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục