Sẵn sàng đáp ứng, hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp

Trong “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TPHCM với mục tiêu thúc đẩy và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp)”, TPHCM kỳ vọng nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ lực, gồm: Cơ khí - Tự động hóa; Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Y tế và Nông nghiệp. Trong đó, vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu là không thể tách rời. 
Doanh nghiệp tìm hiểu công nghệ mới tại buổi trình diễn các sản phẩm của các tập đoàn quốc tế. Ảnh: TẤN BA
Doanh nghiệp tìm hiểu công nghệ mới tại buổi trình diễn các sản phẩm của các tập đoàn quốc tế. Ảnh: TẤN BA

Có sẵn công nghệ để doanh nghiệp tiếp cận

Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị của Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) đã thực hiện khoảng trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ khoa học - công nghệ (KH-CN) với tổng doanh thu trung bình hàng năm đạt trên 250 tỷ đồng. Đồng thời, hàng trăm tài sản sở hữu trí tuệ đã được đăng ký bảo hộ, trong đó khoảng 60% là các sáng chế, giải pháp hữu ích và thiết kế bố trí mạch tích hợp có tiềm năng thương mại hóa. Theo TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban KH-CN, ĐHQG-HCM, trong “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TPHCM”, ĐHQG-HCM đã khẳng định là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus (số lượng công bố quốc tế tăng đều khoảng 14%/năm, số công bố bài báo khoa học trên các tạp chí và hội nghị trong và ngoài nước trung bình đạt trên 4.500 bài/năm, trong đó có trên 800 bài báo quốc tế ISI có uy tín/năm). 

Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng đã được chọn làm một trong 3 IP HUB của Việt Nam sau khi tham gia ứng cử và trải qua cuộc phỏng vấn với WIPO. Các IP HUB này sẽ cùng với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) hình thành một mạng lưới nhằm tăng cường số lượng IP, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa từ các IP trong nước, kết nối với hoạt động IP của khu vực và trên thế giới.

“ĐHQG-HCM đã hình thành 13 nhóm nghiên cứu mạnh có khả năng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, bao gồm các lĩnh vực: khoa học vật liệu, đặc biệt là vật liệu nano khung cơ kim (MOF); ứng dụng tế bào gốc; bảo tồn gen; công nghệ sinh học phân tử; dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI, Smart city); kinh tế - luật/tài chính - ngân hàng; khoa học xã hội và nhân văn/quan hệ quốc tế, du lịch; dược liệu; vi mạch; tính toán hiệu năng cao; cơ khí tự động hóa; môi trường, quản lý nước và biến đổi khí hậu… Đây là những nhóm nghiên cứu mạnh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”, TS Lâm Quang Vinh cho biết. 

Cần cơ chế, chính sách thông thoáng

Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố đã thu hút, huy động và khơi dậy được các nguồn lực đầu tư trong xã hội, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đẩy mạnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực thành phố khuyến khích theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo đúng định hướng; nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố thông qua việc đầu tư đổi mới máy móc, trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường...
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết, kết quả nổi bật của chương trình này là tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác 3 bên, trong đó, Nhà nước đóng vai trò là cầu nối và cùng chia sẻ rủi ro trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các viện, trường. Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, kết quả trên chưa phải là tốt nhất do sự cạnh tranh khốc liệt giữa công nghệ Việt và công nghệ do các quốc gia khác nhập khẩu vào Việt Nam. Việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật chưa theo kịp với tốc độ phát triển của các sản phẩm mới, công nghệ mới. Khi các sản phẩm ngoại nhập dễ dàng lưu hành ở Việt Nam thì các sản phẩm Việt Nam bị vướng hàng loạt các giấy phép để sản xuất và lưu hành vì chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền. Nhiều doanh nghiệp chưa quen với Luật Sở hữu trí tuệ, chưa quan tâm đến trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện bảo hộ trí tuệ với đơn vị chuyển giao công nghệ…  

Tính từ khi triển khai thực hiện “Chương trình kích cầu đầu tư” theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30-10-2015, UBND TPHCM đã thực hiện phê duyệt 281 dự án tham gia “Chương trình kích cầu đầu tư”, trong đó ở lĩnh vực công nghệ cao có 17 dự án với tổng mức đầu tư 3.006,014 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lãi suất 1.051,313 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có 15 dự án với tổng mức đầu tư là 1.393,819 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lãi suất là 584,276 tỷ đồng.

Theo TS Lâm Quang Vinh, TPHCM cần nhanh chóng xây dựng một số tổ chức, viện nghiên cứu đẳng cấp có đủ khả năng triển khai thực hiện một số lĩnh vực KH-CN mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Để thực hiện được điều này, việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút, tập hợp nhân tài, chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải được ưu tiên triển khai ngay. Song song đó, cần xây dựng một số chương trình hỗ trợ như “Chương trình nghiên cứu sản phẩm trọng điểm quốc gia” nhằm khuyến khích các đơn vị tạo ra sản phẩm có tầm quan trọng quốc gia, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; “Chương trình hỗ trợ nắm bắt và lựa chọn công nghệ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu cách vận hành và so sánh tính năng trong việc lựa chọn công nghệ... 

Tin cùng chuyên mục