Sẵn sàng thực thi trọng trách

Hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 chính thức diễn ra tại Thủ đô Hà Nội của nước ta. Để chọn địa điểm cho cuộc gặp quan trọng với sự tham gia của cấp cao nhất, cả  Mỹ và Triều Tiên đã phải cân nhắc rất kỹ. Có nhiều yếu tố đã được nhắc đến, nhưng yếu tố vượt lên trên tất cả chính là độ tin cậy của nơi đăng cai tổ chức. Trước hết, độ tin cậy đến từ khâu tổ chức hậu cần và kỹ thuật, sau đó là sự đánh giá, cảm nhận, là nơi mang lại sự tin tưởng, an tâm rằng quốc gia đó có thể đóng góp, tạo ra môi trường và không khí xây dựng cho một cuộc gặp có nhiều vấn đề nhạy cảm.

Việt Nam là sự lựa chọn phù hợp và xứng đáng cho những cân nhắc của các bên trực tiếp liên quan trong trường hợp này. Thứ nhất, Việt Nam hiện có quan hệ tốt và thân thiện với cả Mỹ và Triều Tiên, đây cũng là cơ sở để họ cân nhắc ngoài những điều kiện kỹ thuật, vật chất, địa lý… Thứ hai, Việt Nam với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đã là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, đồng thời có nhiều đóng góp vào các công việc quốc tế trong suốt thời gian vừa qua. Chúng ta có lập trường nhất quán, ủng hộ nền hòa bình, hợp tác thịnh vượng, đối thoại để giải quyết các vấn đề quốc tế, trong đó bao gồm cả vấn đề về phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên. 

Chúng ta ủng hộ những nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo lợi ích của các bên liên quan và bảo đảm nền hòa bình cũng như giải quyết để hướng tới một giải pháp lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Chúng ta cũng tham gia vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có của Liên hiệp quốc (LHQ), của ASEAN và những diễn đàn khác có liên quan, kể cả vấn đề bán đảo Triều Tiên. Với tư cách là thành viên của LHQ, chúng ta thực hiện rất nghiêm túc trách nhiệm của mình trong việc thực hiện những nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Tất cả cho thấy chúng ta có lập trường đúng đắn, được bạn bè đánh giá cao, trong đó có cả Mỹ và Triều Tiên, trong việc xử lý vấn đề quốc tế và khu vực nói chung, bao gồm cả vấn đề về bán đảo Triều Tiên. Thứ ba, thời gian qua Việt Nam đã đóng góp rất tích cực, hiệu quả cho công tác của cộng đồng quốc tế nói chung cũng như của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Việc đăng cai những hội nghị lớn, từ Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đến những hội nghị ASEAN, hợp tác Đông Á, REC… cho thấy không chỉ có đủ năng lực để tổ chức những hội nghị quốc tế và khu vực lớn, mà Việt Nam còn có đủ năng lực để đóng góp xây dựng, hỗ trợ các bên để có thể đi đến những thỏa thuận thống nhất.

Vấn đề bán đảo Triều Tiên liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới tồn tại trong nhiều năm qua. Vấn đề này từng có những lúc trở thành điểm nóng gay gắt khiến dư luận trong chính giới và cả dư luận ở các nước, các châu lục bận tâm. Khi Mỹ - Triều Tiên gặp gỡ cấp cao lần thứ nhất, là sự khởi đầu rất có ý nghĩa. Hội nghị ở Singapore đã đưa ra một số định hướng để có thể khởi động tiến trình ngoại giao Mỹ - Triều Tiên, góp phần giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên tồn tại nhiều thập niên nay. Sau 8 tháng kể từ hội nghị cấp cao lần đầu, tuy có lúc mâu thuẫn nhưng các bên tiếp tục có những động thái thể hiện sự mong muốn vun đắp vào không khí xây dựng để duy trì đà đối thoại, đà ngoại giao trong vấn đề này. Vì vậy, ở hội nghị lần thứ 2 này, chắc chắn không chỉ 2 bên trực tiếp liên quan đặt kỳ vọng mà thế giới cũng mong muốn sẽ có được những bước đột phá, hướng tới một giải pháp lâu dài ở bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả vấn đề phi hạt nhân hóa, tái lập hòa bình, vấn đề hợp tác giúp đỡ phát triển, cải thiện quan hệ 2 nước liên Triều và các nước khác trong khu vực, phù hợp với lợi ích của các bên.

Sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 cho thấy vị thế quốc tế đang lên của Việt Nam, cũng như vai trò của Việt Nam là một nước có quan hệ tích cực với nhiều cường quốc. Chúng ta cũng kỳ vọng rằng 2 bên trực tiếp liên quan qua những cuộc thương thảo ở Việt Nam, trong môi trường xây dựng, có thể đưa ra được kết quả có ý nghĩa, đó là Tuyên bố Hà Nội. Dù kết quả đạt được như thế nào thì những gì diễn ra ở Việt Nam cũng sẽ chắc chắn tạo đà cho những nỗ lực ngoại giao tiếp tục liên quan đến vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Từ một quốc gia bị bao vây cấm vận, Việt Nam, với đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của mình, đến nay đã có quan hệ ngoại giao với 189 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ, có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020 và đang nỗ lực trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Chúng ta đã tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, gửi các bác sĩ đến bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan… Với việc vượt qua các ứng cử viên để được chọn làm nơi tổ chức cho sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này, Việt Nam đã chứng tỏ sự sẵn sàng thực thi trọng trách là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm vì hòa bình bền vững trên toàn thế giới!

Tin cùng chuyên mục