Sản xuất và kinh doanh phần cứng - Xây dựng chiến lược “người đi sau”

Nhập siêu để kích hoạt sản xuất
Sản xuất và kinh doanh phần cứng - Xây dựng chiến lược “người đi sau”

Theo ông Phạm Thiện Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM (HCA), sản xuất phần cứng không có nghĩa là làm tất cả các khâu để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh mà quan trọng hơn phải mang giá trị thương hiệu.

Không cần phải sản xuất toàn bộ
 
Một máy tính được lắp ráp hoàn chỉnh bao gồm các cụm linh kiện như board mạch chủ, bộ vi xử lý, ổ cứng, RAM, ổ đĩa ngoài, bàn phím, con chuột, màn hình, thùng máy và bộ nguồn… Theo đó, công nghiệp phụ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp máy tính là các nhà máy sản xuất những loại thiết bị trên chứ không phải là sản xuất ốc vít, khung nhựa, thùng carton…

Máy tính xách tay, một loại sản phẩm đang tiêu thụ mạnh, rất cần phát triển sản xuất trong nước. Ảnh: T.BA
Máy tính xách tay, một loại sản phẩm đang tiêu thụ mạnh, rất cần phát triển sản xuất trong nước. Ảnh: T.BA

Nước ta đã hiện diện đủ mặt các đại gia trong sản xuất phần cứng như board mạch chủ của hãng Foxconn, bộ vi xử lý của Intel, màn hình của Samsung, LG, máy in của Canon, Brother... cho nên theo ông Nghệ, với tình hình thị trường, năng lực tài chánh, quản lý công nghiệp, quan hệ kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa nên thực hiện xây dựng nền công nghiệp CNTT theo hướng này.

Ông Phạm Thiện Nghệ cho rằng, việc xây dựng nền công nghiệp sản xuất phần cứng tại nước ta trong bối cảnh hiện nay không cần phải có nền công nghiệp phụ trợ theo kiểu sản xuất toàn bộ từ con ốc, khung nhựa đến những chip xử lý chuyên dùng.

Ông đưa ra kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc), các công ty sản xuất các linh kiện, phụ tùng từng bị phá sản toàn bộ khi nhận được chuyển giao công nghệ nhưng hàng làm ra không bán được do lạc hậu về công nghệ. Đơn cử như việc sản xuất đầu CD 2x, 4x chưa lâu thì các sản phẩm đầu CD 16x, 32x tràn ngập thị trường, dẫn đến việc sản phẩm làm ra của họ lạc hậu ngay khi nhận được bản quyền sản xuất...

Chính vì thế ông Phạm Thiện Nghệ nhấn mạnh: Phần giá trị gia tăng tại Việt Nam của những máy tính thương hiệu Việt, nếu kể cả mainboard, monitor đã được sản xuất trong nước, cộng với các chi phí sản xuất, nhân công, nhà xưởng, điện nước... thì đã có những thương hiệu đạt giá trị gia tăng tại Việt Nam trên 30% giá thành xuất xưởng (theo số liệu tra của Hội Tin học TPHCM năm 2010 thì giá trị cộng thêm này bình quân là 24%).

Hướng đi nào?

Doanh thu của thị phần máy tính thương hiệu Việt Nam năm 2009 chỉ khiêm tốn ở mức 200 triệu USD, so với thị trường 6,4 tỷ USD mới chỉ chiếm 3%, một con số quá nhỏ bé. Nhưng nếu các địa phương thực hiện triệt để Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT của Bộ TT-TT về việc sử dụng ngân sách khi trang bị CNTT, giá trị này sẽ tăng lên đáng kể, có thể tăng tới 200%.

Dù con số doanh thu năm 2009 chỉ 200 triệu USD nhưng giá trị gia tăng tại Việt Nam mang lại gần 50 triệu USD, con số không hề nhỏ, tiết kiệm đáng kể cho việc hạn chế nhập siêu...
 
Muốn xây dựng một nền công nghiệp về CNTT tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Thiện Nghệ, ngoài việc thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp lớn, các công ty FDI thì về mặt quản lý cũng nên quan tâm và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất các sản phẩm bằng tay hoặc số lượng khiêm tốn nhưng mang giá trị gia tăng cao, hàm lượng chất xám lớn, chất liệu cao cấp sẽ tạo nên nét rất riêng.

Để thực hiện được vấn đề trên, các viện nghiên cứu thuộc cơ quan trung ương như Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số (Bộ TT-TT)... cần làm đầu mối trong việc nghiên cứu và triển khai phát triển. Song song đó, nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng và nâng cao thương hiệu, vì việc này mang lại giá trị kinh tế rất lớn...
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phát triển lĩnh vực nào, sản phẩm nào vẫn là trăn trở của nước ta trong những năm qua. Chính vì thế chúng ta phải có chiến lược của “người đi sau”, với những ưu điểm, thuận lợi như: có máy móc, trang thiết bị hiện đại, kế thừa thành tựu công nghệ...

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn ủng hộ các sản phẩm tập trung trí tuệ quốc gia, những sản phẩm phục vụ người Việt Nam, mang yếu tố văn hóa Việt Nam… trở thành sản phẩm trọng điểm của đất nước.

BÁ TÂN

Nhập siêu để kích hoạt sản xuất

Dựa trên các số liệu thống kê mới công bố, nhiều chuyên gia đã có cách đánh giá khác nhau xung quanh lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm phần cứng tại thị trường Việt Nam. Một số thì dựa trên doanh số xuất khẩu gần 3 tỷ USD và doanh số tiêu thụ hơn 6 tỷ USD để tôn vinh và đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực này trong thời gian tới. Số khác lại cho rằng ngành công nghiệp phần cứng là con số không hoặc xem việc kinh doanh phân phối sản phẩm cứng chỉ là hoạt động thương mại đơn thuần...

Do đó, tại Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT 2010, nhóm tác giả gồm ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch VEIA, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Điện tử Tin học Việt Nam; Phạm Thiện Nghệ, Phó Chủ tịch VEIA, Tổng Thư ký HCA; Võ Thành Luân, Văn phòng HCA đã có tham luận phân tích khá kỹ việc này được khá nhiều đại biểu tham dự hội thảo chú ý.

Theo Sở Công thương TPHCM, năm 2009 kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tại TPHCM là 391 triệu USD (chiếm tỷ trọng 2,84% trong nhóm công nghiệp của thành phố). Trong 5 tháng đầu năm 2010 đã xuất khẩu được 203 triệu USD, tăng đến 30,3%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore, Thái Lan...) và Hoa Kỳ.

Qua đây cũng cho thấy cơ cấu hàng xuất khẩu của TPHCM tiếp tục có sự chuyển dịch, gia tăng sản phẩm chế biến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao (nhất là nhóm mặt hàng điện, điện tử, cơ khí chính xác, vi mạch điện tử, sản phẩm công nghệ nano...).
 
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công thương, cả nước nhập khẩu 68,7 tỷ USD, trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện đã nhập trong năm 2009 khoảng 4,5 tỷ USD. Riêng tại TPHCM thì nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch nhập khẩu năm 2009 là 945 triệu USD và riêng 5 tháng đầu năm 2010 đã nhập gần 505 triệu USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ.
 
Thị trường CNTT trong nước năm 2009 theo số liệu của Bộ TT-TT là khoảng 6,3 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần cứng chiếm khoảng 4,7 tỷ USD. Như vậy so với doanh số xuất khẩu gần 2,8 tỷ USD, phần cung ứng cho nội địa là 1,9 tỷ USD, cộng với hàng nhập khẩu về thiết bị CNTT khoảng 4,5 tỷ USD (số liệu của Bộ Công thương) cho thấy thị trường trong nước tiêu thụ hàng CNTT trong năm 2009 xấp xỉ  6,4 tỷ USD. Ước tính trong năm 2010 thị trường này xấp xỉ 7,6 tỷ USD.
Phân tích các số liệu đã nêu trên thấy hàng thiết bị CNTT nhập siêu hơn 1,7 tỷ USD.

Tuy nhiên theo nhóm tác giả nói trên, nên nhìn nhận đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc phát triển ngành CNTT bao gồm sản xuất và ứng dụng CNTT cho chính phủ và các doanh nghiệp nhằm mục đích thúc đẩy việc hiện đại hóa đất nước.

Do vậy, nhập siêu này là rất cần thiết, không thể đánh đồng với việc nhập siêu hàng hóa xa xỉ. Và trên hết, các nhà quản lý cần phân biệt hàng nhập khẩu tiêu dùng và hàng công nghệ phục vụ cho sự phát triển để có những thay đổi về chính sách nhập khẩu các mặt hàng này.

KIM THANH

Tin cùng chuyên mục