
Trong hội nghị gồm 20 nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới vừa diễn ra tại Chiba (Nhật Bản) trong 2 ngày 15 và 16-3, Nhật Bản đã đề xuất những mục tiêu về hiệu quả sử dụng năng lượng đối với từng ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải sự nghi ngờ của những nước nghèo hơn, cho rằng đề xuất của Nhật Bản khó có thể là công cụ hiệu quả để cắt giảm khí thải.
Hiệu quả sử dụng năng lượng
Nhật Bản đang đi đầu về công nghệ tiết kiệm năng lượng, song quốc gia này cũng đang phải nỗ lực để thực hiện những điều kiện bắt buộc về giảm khí thải theo Nghị định thư Kyoto, đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã từng bước phục hồi sau giai đoạn suy thoái trong những năm 1990.

Khí thải mù mịt từ một nhà máy ở Sydney (Australia)
Xung đột giữa các nước giàu và nước nghèo, cả giữa các nước giàu với nhau, đã cản trở tiến trình thương lượng nhằm tìm ra một khuôn khổ mới ngăn chặn khí hậu trái đất ấm lên sau khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012.
Nhật Bản cho rằng, khuôn khổ mới sau năm 2013 phải bảo đảm sự công bằng trong việc đưa ra những điều kiện bắt buộc về giảm khí thải và kiến nghị những sáng kiến liên quan biến đổi khí hậu cần dựa trên giải pháp từng ngành.
Trong các cuộc thảo luận về vấn đề thiết lập một khuôn khổ quốc tế hậu Nghị định thư Kyoto, Nhật Bản tỏ ra hờ hững với lời kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) đặt ra những mục tiêu có tính ràng buộc lớn hơn với mỗi quốc gia và đưa ra cách tiếp cận theo hướng xác định mục tiêu cho từng ngành.
Theo đó, những ngành công nghiệp thải ra nhiều khí thải như thép, điện, lọc dầu... sẽ giảm lượng khí thải bằng cách sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng tiên tiến nhất. Các nước đang phát triển cũng sẽ được nhận công nghệ từ các nước phát triển như Nhật Bản.
Đề xuất không rõ ràng
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Akira Amari, cho rằng, giải pháp trên đã nhận được sự hiểu biết chung của các nước thành viên. Tuy nhiên, các nhà hoạt động thuộc các tổ chức phi chính phủ cho biết, các nước đang phát triển tỏ ra nghi ngờ về đề xuất của Nhật Bản.
Theo họ, đề xuất của Nhật Bản không rõ ràng vì nói về mục tiêu tiết kiệm năng lượng song không nói rõ là “bằng cách nào”, đồng thời không nêu cụ thể nước nào làm cái gì.
Các nước đang phát triển, đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, cho rằng, các nước giàu cần hỗ trợ công nghệ và tài chính cho họ và không nên đưa ra những điều kiện bắt buộc giống nhau về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thậm chí, Trung Quốc còn muốn cùng tham gia nghiên cứu chứ không chỉ đơn thuần tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ từ những nước phát triển.
Cựu Thủ tướng Anh, Tony Blair, đã kêu gọi cả các nước phát triển và đang phát triển phá vỡ thế bế tắc và đạt thỏa thuận mang tính toàn cầu nhằm cho phép các nước thải nhiều khí CO2 thực hiện “hành động tập thể” để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. Ông Blair nhấn mạnh: “Không hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu vào thời điểm hiện nay sẽ bị coi là vô trách nhiệm một cách không thể dung thứ”.
VIỆT LÊ (theo Bloomberg)