Giá cá tra thời gian gần đây có sự đảo chiều bất ngờ. Từ giá thấp, bà con nài nỉ doanh nghiệp (DN) mua; nay “bổng dưng” giá cao, DN phải chiều theo ý người nuôi.
Khoảng từ tháng 4 đến gần cuối tháng 8 là giai đoạn người nuôi cá tra khốn đốn vì chuyện giá cá tra giảm liên tục. Chính phủ chỉ đạo và tạo điều kiện vốn vay để DN được vay tiền mua cá tra nguyên liệu, nhưng số DN tích cực hưởng ứng không nhiều.
Hình ảnh “cá” (là DN) “ăn kiến” (người nuôi) càng đậm hơn khi trong bối cảnh khó khăn đó, thay vì hỗ trợ, tiếp sức với người nuôi, lại có không ít DN đẩy sự khó khăn đến cùng cực như chốt giá mua, nhưng “ngâm” để đó, bà con sốt ruột đến hỏi thì yêu cầu viết đơn giảm giá (800-1.000 đồng/kg) sẽ được ưu tiên mua trước. Chưa hết, bán cá xong, người nuôi phải chờ từ 1 đến 3 tháng mới được nhận tiền và hậu quả là từ lỗ đến lỗ và… phá sản. Đã có nhiều ao nuôi bị “treo”, vì hết vốn. TP Cần Thơ có khoảng 50% số hộ phải “treo ao”, An Giang cũng khoảng 30%.
Cuối tháng 8 đầu tháng 9, nhiều DN chế biến cá tra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu lo vì thiếu cá nguyên liệu. Ngày 27-8, giá cá tra loại 1 là 15.000 đồng/kg, 2 ngày sau phải tăng lên 15.500 đồng/kg, bây giờ đã là 17.000-17.500 đồng/kg nhưng chưa chắc mua được, do hết cá thu hoạch và từ đây xuất hiện tình trạng người nuôi “bẻ kèo”, bán cho đơn vị khác với giá cao hơn. Khó mà trách bà con trong hoàn cảnh này, vì mới trước đó, DN đã tìm mọi cách gây khó khăn, giảm giá, chần chừ bắt cá… Tình cảnh hiện nay chính là hình ảnh “kiến ăn cá”. Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nguồn cá tra thiếu hụt sẽ lên tới vài trăm ngàn tấn trong thời gian tới, kể cả đầu năm 2009. Với ngành nuôi và chế biến cá tra, đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng này. Cái vòng lẩn quẩn “cá ăn kiến, kiến ăn cá” cứ xoay vòng, chưa thấy điểm dừng là điều đáng nói.
Tất nhiên giá giảm có nguyên nhân là do người người đổ xô vào nuôi, làm nguyên liệu cá dư thừa. Nhưng trong trường hợp này trách nhiệm chính thuộc về DN, khi là người thương thảo hợp đồng với khách hàng. Trước áp lực lãi suất ngân hàng cao, vốn ít… DN đua nhau chào bán cá, khách hàng nước ngoài được dịp ép. VASEP thừa nhận có hiện tượng một số DN cố tình bán giá thấp để giật mối hàng từ khách nước ngoài. Điều đó giải thích vì sao giá xuất cá tra dạng phi lê lại thấp hơn năm 2007 và những năm trước, còn 2,3-2,5 USD/kg, thậm chí có thị trường như Ucraina chưa tới 2USD/kg (tất nhiên còn tùy theo chất lượng, nhưng bán với giá này là sự “sỉ nhục” đối với con cá tra VN), trong khi trước đó bình quân khoảng 3 USD/kg. Sau đó, các DN này ép lại người nuôi để mua với giá thấp nhất có thể, bất chấp điều đó làm người nuôi phá sản và dẫn đến những hậu quả khác.
Người nuôi và nhà máy có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, sự tồn tại của bên này là điều kiện để bên kia phát triển. Sẽ không ổn định và thiếu công bằng nếu một bên muốn dành phần lợi nhuận nhiều nhất. Trong đợt khảo sát vừa qua của Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), chiếc bánh lợi nhuận chưa được chia đều. 431 cá nhân, đơn vị thuộc các nhóm tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của con cá tra ở ĐBSCL, tổng lợi nhuận thu được từ con cá tra, trong bối cảnh bình thường (không xảy ra dư thừa nguyên liệu như vừa qua), người nuôi chỉ hưởng 19,4%, các DN chế biến chiếm tới 78,5% tổng lợi nhuận, còn lại thuộc về thương lái. Vì thực tế này mà người nuôi cá, khi có điều kiện là bắt chẹt là DN.
Để không xảy ra tình trạng trên, trước hết cần xác lập mối quan hệ và xây dựng mối tương quan giữa người nuôi và DN theo kiểu 2 bên đều có lợi. Cân đối cung cầu, tuân theo thị trường, điều tiết sản xuất. Có cơ chế, chính sách trong việc phát triển vùng nuôi, phát triển chế biến xuất khẩu theo nhu cầu thị trường. DN, người nuôi phải có hợp đồng. Ngoài việc phải có mức giá hợp lý, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo quyền lợi DN và người nuôi, hợp đồng phải có giá trị pháp lý để hai bên có trách nhiệm dân sự với nhau. Gần 2 năm bước ra biển lớn, không thể mãi diễn ra cảnh “cá ăn kiến, kiến ăn cá”. Bao giờ DN và bà con nông dân mới được xây dựng trên mối quan hệ “cá với nước”? Mà không chỉ với “con cá”, nhìn rộng ra, các mặt hàng nông sản khác cũng vậy.
CÔNG PHIÊN