Chỉ cần một buổi họp báo, đúng hơn là buổi gặp mặt đầu năm với giới báo chí, những thiện cảm dành cho VPF đã trở lại, vượt qua sự hoài nghi về năng lực điều hành của họ đã dẫn đến một loạt sự cố bạo lực và trọng tài vừa qua.
Bởi đấy là một cuộc gặp rất cởi mở, hết sức thẳng thắn, đúng phong cách làm việc của những doanh nhân hàng đầu tại VPF. Những khúc mắc, câu hỏi báo chí đặt ra, các thành viên có trách nhiệm đều trả lời thẳng băng, với sự tôn trọng sự thật cao nhất.
Từ chuyện bản quyền truyền hình, “chuyện nhỏ” như cái tên giải mà Tổng cục TDTT chỉ đạo rồi VFF gửi công văn yêu cầu đổi tên ngay ở vòng 5 này, đến những câu hỏi về chất lượng giải đấu, những gì VPF làm được và chưa làm được đến thời điểm này, thậm chí đến cả chuyện mối quan hệ căng thẳng với VFF, dư luận gọi là “cuộc chiến”… Tất cả đều được giải đáp rõ ràng, minh bạch với những dẫn chứng, lý lẽ và cơ sở thỏa mãn người chất vấn.
Điều quan trọng hơn, VPF không hề tìm cách khỏa lấp những bất cập của họ trong giai đoạn đầu điều hành các giải đấu. VPF cũng không “lên giọng” nói về những thứ họ đã làm. Về cơ bản, họ tuyên bố sẵn sàng tuân thủ mọi chỉ đạo, hợp tác với bất kỳ ai nếu như đấy là những điều đúng, dứt khoát phải làm. Qua cuộc gặp trên, tối thiểu thì giới truyền thông cũng nắm rất rõ quan điểm của VPF.
Điều rất đáng buồn và đáng tiếc là ở buổi gặp hết sức thẳng thắn ấy, VFF chỉ cử đại diện là Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Lân Trung, dù giấy mời được gửi đích danh, có xe đưa rước nhưng Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ không có mặt, thậm chí đến cả 2 đại diện rất quan trọng của VFF là Ban kỷ luật và Ban giải quyết khiếu nại, những bộ phận có liên quan đến công tác điều hành thi đấu cũng vắng không rõ lý do.
Trong khi đó, nội dung cuộc gặp cũng như toàn bộ câu hỏi của báo giới đều xoay quanh các vấn đề của những giải đấu, tức là cái VFF đang phê phán VPF đã thiếu sự phối hợp. Một buổi trao đổi vì bóng đá Việt Nam như vậy mà VFF không tham gia đầy đủ thì thật sự khó hiểu. Trong khi đó, chính chủ tịch VFF lại có thời gian trả lời phỏng vấn một vài tờ báo, đề cập đến những chi tiết rất nhỏ nhặt như cái logo của tổ chức mình bị VPF bỏ quên. Người ta tự hỏi, tại sao có một cơ hội để “ba mặt một lời” như vậy thì VFF lại bỏ qua trong khi vẫn trách cứ VPF là thiếu sự phối hợp cùng mình.
Tinh thần cuộc gặp ấy được giới truyền thông đánh giá là mang đầy thái độ cầu thị của VPF. Thậm chí, như bầu Kiên còn tuyên bố VPF sẽ làm hết trách nhiệm, còn bản thân ông sẵn sàng bỏ hết công việc kinh doanh để theo đuổi cuộc chơi bóng đá đến cùng. Vậy mà chỉ có một chuyện nhỏ như việc ra mặt, đối diện và thậm chí là phản biện thẳng thắn trước những vấn đề nổi cộm của làng cầu thì những người có trách nhiệm cao nhất của bóng đá Việt Nam lại không thể.
Khi mà sự minh bạch và thẳng thắn vẫn còn chưa phải là chọn lựa của VFF thì thật khó để nói rằng những vấn đề đang tồn tại của bóng đá Việt Nam sẽ được làm đến nơi đến chốn.
Việt Tâm