Vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà, đất công ở Hà Nội

Sẽ xử lý kiên quyết

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương trên toàn quốc báo cáo về tình hình sử dụng, xử lý, sắp xếp tài sản nhà, đất công trên toàn quốc. Con số thống kê từ Hà Nội - thành phố được coi là “tấc đất tấc vàng” - làm khá nhiều người ngỡ ngàng: cứ 4 doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp (HCSN) Trung ương thì có 1 vi phạm trong sử dụng tài sản công là nhà đất. Đối với các cơ quan trực thuộc thành phố, tỷ lệ này cũng trên dưới 10%!
Sẽ xử lý kiên quyết

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương trên toàn quốc báo cáo về tình hình sử dụng, xử lý, sắp xếp tài sản nhà, đất công trên toàn quốc. Con số thống kê từ Hà Nội - thành phố được coi là “tấc đất tấc vàng” - làm khá nhiều người ngỡ ngàng: cứ 4 doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp (HCSN) Trung ương thì có 1 vi phạm trong sử dụng tài sản công là nhà đất. Đối với các cơ quan trực thuộc thành phố, tỷ lệ này cũng trên dưới 10%!

Nhà đất công - “chùm khế ngọt”?

Nhận xét về tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất công tại Hà Nội, một vị lãnh đạo TP thừa nhận: “Chẳng ít thì nhiều, quận huyện nào cũng có”! Và kết quả kiểm kê nhà đất công thuộc sở hữu Nhà nước mới đây do liên ngành thành phố thực hiện đã chứng minh nhận định này là đúng.

Đối với khối cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc Trung ương, trên 21% số đơn vị có các vi phạm về sử dụng nhà đất. Các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp cũng chẳng chịu kém phần, trong đó đặc biệt là khối hợp tác xã đã tự chuyển nhượng nhà đất hoặc núp bóng sáp nhập, liên doanh, liên kết, cổ phần hóa… để chuyển đổi mục đích sử dụng nhà, đất gây thất thoát, lãng phí lớn cho Nhà nước.

Đáng buồn là trong khi diện tích nhà đất công bị nhiều đơn vị sử dụng bừa bãi nhưng cũng có nhiều cơ quan không có trụ sở làm việc, phải đi thuê của tư nhân, hoặc có nhưng quá chật hẹp, không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Sẽ xử lý kiên quyết ảnh 1

Một khu quy hoạch xây dựng nhiều năm qua vẫn chỉ là… bãi đá bóng!

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng buồn trong quản lý, sử dụng nhà đất công hiện nay.

Đó là các văn bản, chính sách quản lý chậm đổi mới, thiếu đồng bộ, chế tài xử lý trách nhiệm chưa được quy định cụ thể và mang tính răn đe; ý thức chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng của nhiều đơn vị còn quá thấp.

Bên cạnh đó, do hoàn cảnh lịch sử để lại, công tác quản lý nhà nói chung và nhà chuyên dùng nói riêng đã bị buông lỏng, chưa thường xuyên kiểm tra và cập nhật biến động; chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về cấp phép thành lập, chuyển đổi mô hình tổ chức của các đơn vị kinh tế đang thuê nhà nên việc xử lý chuyển đổi nhà, đất công không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Thứ tư, số cán bộ, nhân viên quản lý nhà tuy khá đông nhưng còn hạn chế về chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc hiện tại nên các vi phạm vẫn liên tục tái diễn...

Không “đánh trống bỏ dùi”

Trên thực tế, không phải UBND TP không ban hành những quyết định thu hồi, xử lý nhưng việc thực hiện các quyết định thu hồi này không hề dễ dàng! Theo ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội, có trường hợp quyết định thu hồi chưa kịp chuyển tới đơn vị vi phạm thì thành phố đã nhận được công văn của bộ chủ quản với nội dung “sẽ sớm triển khai dự án mới” trên diện tích nhà đất đó.

Thế nhưng, có khi cả năm trôi qua mà chủ dự án vẫn “án binh bất động”. Ngay trong đợt tổng kê khai nhà đất công mới đây, nhiều đơn vị đã tỏ ra bất hợp tác với cơ quan chức năng bằng việc không kê khai, không cho vào cơ quan đo đạc.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn, trong những tháng đầu năm 2007, một trọng tâm công tác của TP là kiên quyết xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà, đất công. “Hướng xử lý phải xuất phát trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, bất kể là cơ quan thuộc Trung ương hay địa phương, doanh nghiệp hay hành chính sự nghiệp.

Quy hoạch ở vị trí đó làm gì thì mục đích sử dụng đất ở đó phải đúng như vậy”, ông khẳng định. Một số trường hợp theo quy hoạch là công trình công cộng nhưng đã “trót” sử dụng làm nhà ở từ nhiều năm nay thì khi thành phố thực hiện dự án; nhà, đất đó cũng sẽ bị thu hồi theo quy trình hiện hành.

“Phức tạp thì chắc chắn rồi. Quan điểm của TP là sẽ không có chuyện “đánh trống bỏ dùi”, nhưng phương án xử lý phải linh hoạt, công bằng thì mới khả thi”, ông Lê Quý Đôn giải thích. Nếu xác định phù hợp với quy hoạch, một số trường hợp có thể được cho phép hợp thức, nhưng người sử dụng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Một số điểm vi phạm cần phải xử lý thu hồi ngay hoặc điều chỉnh mục đích sử dụng thì phải ưu tiên dành để xây dựng công trình công cộng, dịch vụ phục vụ người dân. Phần dôi dư có thể đem đấu giá để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có 802 địa điểm nhà, đất do cơ quan HCSN Trung ương sử dụng với diện tích 8.737.974m2.

Trong đó, đất sử dụng sai mục đích là 717.689m2, chiếm tỷ lệ 21,4%. Tương tự, trong 3.956 địa điểm nhà, đất do cơ quan HCSN thành phố sử dụng với 15.360.367m2 đất, phát hiện đất sử dụng sai mục đích là 2.223.445m2, chiếm tỷ lệ 8,36%.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục