UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành văn bản quy định các thương lái nước ngoài, chủ yếu là thương lái Trung Quốc, khi mua khoai lang trên địa bàn phải đăng ký kinh doanh và phải có đầy đủ các thủ tục mua bán, xuất khẩu theo luật định.
Theo văn bản này, thương lái nước ngoài khi đến mua khoai lang trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phải hoàn chỉnh thủ tục đăng ký thủ tục xuất khẩu với Bộ Công thương, có giấy phép lao động và thủ tục cư trú. Điều kiện áp dụng các quy định này bắt đầu từ ngày 5-8-2013. Sau thời gian kể trên, tỉnh Vĩnh Long sẽ xử lý các thương lái nước ngoài hoạt động “chui” theo quy định của pháp luật.
Vĩnh Long là địa phương đầu tiên của cả nước ra quy định siết chặt quản lý thương lái nước ngoài. Trước đó, từ giữa năm 2012, các địa phương khác như Đà Nẵng, Phú Yên, Cà Mau… cũng đã có chỉ đạo về việc quản lý thương lái nước ngoài nhưng chưa cụ thể và quyết liệt như ở Vĩnh Long.
Sở dĩ Vĩnh Long ban hành quy định này bởi trong nhiều năm qua thị trường khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long gần như đã bị thương lái Trung Quốc thao túng hoàn toàn, từ mẫu mã, sản lượng đến thời điểm thu hoạch, giá cả... Trước hấp lực về giá và thị trường, nhiều nông dân ở tỉnh này đã chuyển từ trồng lúa và các loại hoa màu khác sang trồng khoai lang bất chấp khuyến nghị của chính quyền địa phương.
Không chỉ trồng khoai trên địa bàn, nông dân Vĩnh Long còn thuê đất các địa phương khác để sản xuất với “đầu ra” hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Khi thương lái Trung Quốc bỏ chạy hoặc ghìm giá, hàng trăm hộ trồng khoai lang rơi vào tình cảnh khốn đốn vì không biết bán sản phẩm cho ai!
Thời gian qua đã có rất nhiều địa phương điêu đứng vì… thương lái Trung Quốc. Lâu nay chúng ta đã từng nghe chuyện họ mua móng trâu, mua mèo… ở phía Bắc. Gần đây là việc họ mua đủ thứ “hầm bà lằng” ở ĐBSCL: mua cua rồi quỵt nợ ở Cà Mau, hô hào thu mua lá bần ổi ở Bạc Liêu rồi bỏ trốn; thu mua lá khoai mì ở Hậu Giang; mua sầu riêng non và khóm (dứa) xanh ở Tiền Giang; mua thủy sản ở các tỉnh miền Trung…
Thậm chí, ở một chợ biên giới phía Bắc, khi người Mông sang buôn bán thường được các thương lái Trung Quốc cho xem một tờ giấy có hình ảnh một loại cây nào đó và bảo “tôi cần tìm loại cây này, cây kia” để khuyến dụ họ về tìm và mang sang bán. Phương thức mua bán bao giờ cũng theo kiểu: Lúc đầu thu mua ồ ạt, giá cao. Sau đó, đột nhiên ngừng mua hoặc ghìm giá, bỏ chạy, báo hại những người lỡ gom hàng đành chịu trận.
Thời gian qua, người trồng dừa ở Bến Tre cũng điêu đứng bởi chiêu thức này. Buồn thảm nhất có lẽ là vựa rau, hoa Đà Lạt (Lâm Đồng): Thương lái Trung Quốc đã nâng giá lên cao và mua cả rau, hoa khi vừa trồng xuống, đến khi thị trường Đà Lạt khan hiếm rau và hoa thì thương lái Trung Quốc đẩy hàng của họ ồ ạt vào khiến nông dân bị ép giá thê thảm.
Một mình thương lái Trung Quốc không thể làm mưa làm gió trên thị trường, mà còn nhờ vào sự tiếp tay, tự nguyện làm “đầu nậu” của không ít thương lái trong nước vì hám lợi. Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, phân tích: Cái gốc vấn đề là ở thương lái địa phương. Các thương lái Trung Quốc đến Cà Mau với danh nghĩa khách du lịch chứ không phải doanh nhân.
Chỉ vì ham lợi mà thương lái địa phương tự thỏa thuận ngầm với người Trung Quốc rồi đi gom hàng trong dân. Khi đủ số lượng, cũng chính thương lái địa phương vận chuyển hàng hóa đi giao tận cửa khẩu. Trong những giao dịch như thế này, thương lái địa phương đã tiếp tay cho thương lái Trung Quốc thực hiện hành vi lừa gạt, bản thân họ không chỉ mất tiền mà còn liên lụy đến nông dân.
Việc UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quy định quản lý thương lái nước ngoài dù muộn, song đã cho thấy sự kiên quyết của chính quyền trong việc bảo vệ nông dân và bảo vệ sản xuất nông sản hàng hóa trong nước.
Bên cạnh các biện pháp quản lý, chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chủ động tổ chức hệ thống đại lý thu mua, mở rộng giao dịch mua bán hàng hóa với thương lái nước ngoài nhằm bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng và nông dân. Có như vậy, “đầu ra” nông thủy sản mới ổn định, đảm bảo đời sống người sản xuất.
TRẦN MINH TRƯỜNG