Nếu một ngày thử hòa mình vào thế giới mạng, nhiều người sẽ giật mình về bệnh sống ảo, thích được nổi tiếng và ca tụng của một số bạn trẻ. Qua rồi cái thời chụp đưa lên mạng vài món đồ hàng hiệu (của mình hay mượn của ai đó) để chảnh với thiên hạ. Hiện tại, nhiều bạn trẻ tốn không ít thời gian, công sức chỉ để nghĩ ra một câu trạng thái, tìm hình ảnh… cho FB (Facebook), blog của mình. Từ cuộc sống, tình yêu, các mối quan hệ xã hội đều được họ lựa chọn, tô vẽ cẩn thận.
Những cuộc đời vay mượn
S.K. sinh ra tại Mỹ, mẹ là Việt kiều Mỹ, bố người Hoa. Mới học lớp 7 K. đã đi du học Hàn Quốc. Hiện tại, K. học ngành thời trang tại KAIST. (Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu và danh tiếng của Hàn Quốc). Học được 2 năm K. vào làm stylist tại YM… Trên các diễn đàn mạng gần đây, K. nổi như cồn nhờ chuyện tình yêu tay ba, tay tư đậm mùi “kim chi” với các anh chàng diễn viên Hàn Quốc nổi tiếng được cô đều đặn… tưởng tượng và đưa lên FB mỗi ngày.
Khác với K., N. không phải vò đầu bứt tai để tưởng tượng ra những câu chuyện lâm ly, hoang tưởng mà dành thời gian lang thang trên mạng, tìm một người mẫu có vóc dáng hơi giống mình tải về rồi chỉnh sửa đôi chút.
“Bí quyết” của N. không bao giờ đăng những bức hình rõ khuôn mặt. Những tấm hình ở những chốn ăn chơi xa hoa, những bộ sưu tập giày, túi, quần áo, xe hơi đắt tiền… N. liên tục được cập nhật trên FB khiến khá nhiều cư dân mạng tưởng thật và vào làm quen, tán thưởng. Nhưng N. lại bị chính cộng đồng mạng tẩy chay khi liên tiếp khoe những món hàng giá trị với mức độ hoang tưởng ngày càng cao.
Kiểm tra những hình ảnh N. khoe trên FB, mọi người chưng hửng khi phát hiện đây là một người mẫu ở nước ngoài. Đến cả anh người yêu cũng hàng… mượn.
Tương tự, G. đã lừa được khá nhiều cư dân mạng khi vẽ ra cuộc sống hoàn hảo với những hình ảnh và thông tin cá nhân mượn của một hot girl tại Trung Quốc. Không chỉ dừng lại ở mức độ khoe đồ, mượn hình ảnh người khác, G. còn tốn nhiều thời gian tạo nhiều tài khoản FB khác nhau giả làm bố, mẹ, bạn trai, bạn bè xung quanh… để vở kịch thêm hoàn hảo và đáng tin.
Tỉnh táo trên thế giới ảo
Giải thích việc làm không giống ai này, Th.S tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu (Trung tâm Đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt) cho rằng có nhiều lý do khác nhau như muốn tăng lượng truy cập FB, blog hoặc được sử dụng với mục đích xấu hơn như gây rối, phát những thông tin sai sự thật. Nhưng đa phần trường hợp sống ảo này do quá cô đơn trong đời thực.
“Họ muốn thể hiện những điều bình thường nhưng không có khả năng làm được hoặc không dám thể hiện trong đời sống thực. Trong một cộng đồng ảo, mọi thứ không thể kiểm chứng được nên mọi người thường hào phóng tâng bốc, khen ngợi lẫn nhau. Những phản hồi vuốt ve nịnh nọt, chả mất tiền khiến một vài bạn trẻ có cảm giác được nổi bật, trở thành người quan trọng… và càng lún sâu vào những ảo tưởng hơn. Đến khi nhận ra mình đã quá phung phí thời gian để xây dựng một cuộc sống ảo thì những mối quan hệ thật cũng mất dần”, Th.S Giàu cho biết thêm.
Khi tự dựng nên những điều ảo tưởng, núp dưới hình ảnh và tiếng tăm của người khác, N. và G. bị lật tẩy và lặn mất tăm khi bị mọi người tẩy chay. Còn K. sau một thời gian có cảm giác được mọi người chú ý đã phải đóng FB. Nhiều bạn trẻ bất bình với kiểu hoang tưởng của K. đã lập hẳn một trang riêng để “ném đá” cô về tội… nổ. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống thực, những hành động giả mạo kiểu thế này có thể quy vào việc lừa đảo người khác, thậm chí liên quan đến pháp luật.
Luật sư Trần Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Luật gia quận 4, TPHCM cho biết: “Tại khoản 3, Điều 12 của Luật Công nghệ thông tin và các quy định tại Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định quyền cá nhân đối với hình ảnh, nghiêm cấm các hành vi giả mạo blog, website của tổ chức, cá nhân khác… Nếu trang blog hoặc website giả mạo đó được lập ra nhằm đăng tải những thông tin sai sự thật nhằm hạ nhục uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống hoặc tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 121, 122 Bộ luật Hình sự”.
Sơn Trà