Giống như Hamlet trong bi kịch của Shakespeare, những người làm nghệ thuật nước ta đang trăn trở, giày vò ghê gớm với câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại?” trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu sức ép rất lớn từ quá trình hội nhập không thể không tuân thủ. Vì dù có muốn hay không, chúng ta cũng phải đối mặt với thách thức “phải sống”, phải “tồn tại” trên lãnh địa hiểm hóc trải dài từ văn học, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu, truyền hình… qua miền tối sáng của những giá trị văn hóa truyền thống. Và nhất quyết không thể có những giấc mơ kiểu “GDP hạnh phúc” không tính đến “GDP kinh tế” như của vương quốc Bhutan chỉ có nửa triệu dân ở bên kia dãy núi Himalaya. Đơn giản là nước nhỏ thì vấn đề nhỏ, còn nước lớn thì vấn đề lớn hơn.
Những ngày qua, chứng kiến quá trình cổ phần hóa đầy trắc trở, đáng là kịch bản dựng phim với kịch tính đẩy tới đỉnh điểm của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), người trong và ngoài cuộc không khỏi ngậm ngùi cay đắng thốt lên thật đúng là “cơm áo không đùa với khách thơ”, là đội ngũ đạo diễn, diễn viên, tác giả kịch bản... vốn chỉ quen sống “vị nghệ thuật”, xa lạ với cạm bẫy của thương trường.
Nhưng cũng phải cắn răng làm lại từ đầu, cắn răng rũ bỏ một thương hiệu lẫy lừng vì nói như ông giám đốc, đạo diễn Vương Đức: Không làm thì chỉ có nước ôm nhau nhảy xuống Hồ Tây! Mà đúng như vậy. Đúng là không thể sống mãi với quá khứ khi nhà nước bao cấp tuốt tuột, nào là cho ưu đãi tiền thuê đất, rót tiền mua sắm thiết bị, rồi cả cấp tiền tấn đặt hàng làm phim mà chúng ta hay nói vui là phim “cúng cụ” chỉ trình chiếu trong dịp lễ lạt, kỷ niệm này kia.
Tất nhiên băn khoăn còn nhiều và băn khoăn nhất là tên tuổi nhà đầu tư chiến lược, một công ty vận tải đường thủy được quảng bá là cũng mê phim ảnh, cũng chịu chơi, quyết chí vực dậy từ số không của giá trị thương hiệu trong cơ chế thị trường. Nhưng thôi, cái gì bỏ qua được thì bỏ qua và dù có tâm tư mấy, rốt cuộc cũng phải trở lại với thực tế, phải chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận rủi ro thương trường với tính toán lời lỗ, được thua quy đổi ra tiền tươi, thóc thật. Chỉ thấy tiếc là sao điện ảnh nó bèo bọt vậy, tài sản, vốn liếng cộng lại đem bán đổ đồng được có hơn 30 tỷ đồng, nghĩa là chỉ bằng giá trị vài chiếc xe hạng sang mà các đại gia Việt Nam vẫn hay xài. Âu đây cũng là quy luật đào thải tự nhiên, khép lại giai đoạn lịch sử của dòng phim chính thống mà trước đây chúng ta hay mơ mộng và ngưỡng mộ với chị Tư Hậu, chị Vân, chị Dịu, Cánh đồng hoang… để sang một chương mới có tên hội nhập với tiết tấu nhanh hơn, đậm chất thị trường hơn.
Nhưng xóa cái cũ, xóa cơ chế bao cấp, xóa xin - cho thì làm mới, thay mới bằng cái gì để vừa mang tính hiện đại vừa giữ được bản sắc dân tộc? Đó là một câu hỏi khó không chỉ riêng cho lĩnh vực nghệ thuật. Đầu tiên phải khẳng định xuất phát điểm của chúng ta cả văn học, điện ảnh, sân khấu… chỉ mới ở vạch xuất phát, ở lớp vỡ lòng trong hành trình văn hóa trên bản đồ thế giới. Giống như hệ thống siêu thị bán lẻ, hầu hết sản phẩm văn hóa đại chúng ở thị trường nội địa đều được dán nhãn ngoại, đa phần là sách nhập, phim nhập, ca khúc nhập, chương trình truyền hình nhập, còn xuất khẩu - đành cười trừ “nói cho vui”, có cũng như không.
Có thể đếm trên đầu ngón tay tác phẩm văn học được dịch ra tiếng nước ngoài như Truyện Kiều của Nguyễn Du. “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, một vài tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh… Điện ảnh cũng chẳng mấy khấm khá hơn khi chủ yếu là trình chiếu miễn phí, giới thiệu làm quen văn hóa Việt… và cũng là hết. Mấy hôm nay có tín hiệu vui là phim truyền hình “Nghiêng nghiêng dòng nước” của Lasta đã được chấp thuận chiếu trong giờ vàng của truyền hình Myanmar, tức là lần đầu tiên chúng ta xuất khẩu được mặt hàng phim truyện truyền hình, mặc dù giá trị kinh tế mới chỉ dừng ở mức “ăn chia quảng cáo”. Song, một cánh én không làm nên mùa xuân, và điều đó là chưa đủ để khỏa lấp lỗ hổng “thâm thủng mậu dịch” trong văn học nghệ thuật nói chung. Điều cần thiết bây giờ là muốn có một nền văn hóa tiên tiến, mang đậm bản sắc Việt thì phải bớt hô khẩu hiệu, bắt tay vào những việc làm thiết thực, bài bản từ khâu đào tạo, đầu tư kinh phí thực hiện, đến tiếp thị và quảng bá sản phẩm, trong đó phải phân định rõ ràng cái gì nhà nước phải đầu tư, cái gì thì giao tư nhân, cũng như con người có ngón tay dài, ngón tay ngắn, ngón này thấy được tổng thể còn ngón kia đi vào chi tiết, thực thi điều hoạch định trong thực tế.
Còn nhớ một câu chuyện nọ, khi cô con gái rượu nằng nặc đòi cưới chồng là dân làm nghệ thuật thì dù bực bội ra mặt, ông bố cũng đành chấp thuận xem mặt thằng rể tương lai. Sau khi gặp gỡ rồi, ông chỉ buông một câu “Nghệ sĩ gì cái ngữ ấy”. Nhưng ông đồng ý cuộc hôn nhân… và tin vào người làm nghệ thuật sẽ thích nghi được với cuộc sống thị trường…Đầu tư cho nghệ thuật cũng có thể là khoản đầu tư siêu lợi nhuận trong tương lai, như kinh nghiệm của Hàn Quốc, thậm chí là Thái Lan đã chỉ ra khi đóng góp xấp xỉ 10% GDP và tạo ra hàng triệu việc làm. Cái chính là phải tạo dựng niềm tin, tin vào những giá trị văn hóa dân tộc được thể hiện theo cách nhìn mới. Có lòng tin rồi thì chắc chắn chúng ta không sợ sóng gió khi ra biển lớn, không sợ phải chuyển sang nghề “lái tàu thủy” như lo lắng của các đạo diễn đáng kính trong quá trình cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam.
BÍCH AN