Sử dụng có trách nhiệm nguồn nước Mê Công

Những cơn mưa dai dẳng trong những ngày cuối tháng 5-2016 đã phần nào làm cho những nông dân ĐBSCL ở hạ lưu sông Mê Công nhẹ nhõm trước cơn hạn kéo dài trong gần 6 tháng qua. Tuy nhiên, nguồn nước này chỉ đủ tải phần nhỏ cho nội đồng, chưa đủ lực tạo dòng chảy đẩy lùi nước mặn ra biển Tây và biển Đông. Hơn bao giờ hết, châu thổ miền Tây cần có cái nhìn dài hạn về vấn đề chia sẻ nguồn nước sông Mê Công để hài hòa sản xuất nông nghiệp!

Những cơn mưa dai dẳng trong những ngày cuối tháng 5-2016 đã phần nào làm cho những nông dân ĐBSCL ở hạ lưu sông Mê Công nhẹ nhõm trước cơn hạn kéo dài trong gần 6 tháng qua. Tuy nhiên, nguồn nước này chỉ đủ tải phần nhỏ cho nội đồng, chưa đủ lực tạo dòng chảy đẩy lùi nước mặn ra biển Tây và biển Đông. Hơn bao giờ hết, châu thổ miền Tây cần có cái nhìn dài hạn về vấn đề chia sẻ nguồn nước sông Mê Công để hài hòa sản xuất nông nghiệp!

Hơn 15 năm trước, ĐBSCL luôn đối diện với những trận lũ kinh hoàng. Hàng ngàn người dân phải sơ tán, thậm chí bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh khi lũ về. Cũng thời điểm đó, hệ thống đê bao, các đập ngăn lũ như Trà Sư, Tha La (An Giang) được hình thành để “chắn lũ”, bảo đảm cho nông dân thu hoạch lúa hè - thu. Tuy nhiên, có những thời điểm phía Campuchia yêu cầu phía Việt Nam phải xả lũ để giảm áp lực lũ ngập tràn ở phía Campuchia! Và để “giảm tải” nước lũ, An Giang phải xả lũ sớm ở đập Trà Sư - Tha La. Ở thời điểm đó, tại ĐBSCL, khi An Giang xả lũ từ hai con đập này cũng gây phản ứng từ phía Kiên Giang khi nước lũ nhấn chìm lúa hè - thu chưa thu hoạch.

Có thể nói việc chia sẻ, ứng xử có trách nhiệm với nguồn nước trên dòng Mê Công đã có những nền tảng lâu dài. Từ là túi chứa nước, các quốc gia hạ nguồn trở thành ngóng chờ nước! Cụ thể, trong 5 năm trở lại đây, ĐBSCL gần như không có lũ mà chỉ có mùa nước nổi ở một số nơi. Nguồn tích nước cạn kiệt đẩy ĐBSCL vào thế phải đối diện với hạn đến sớm, kéo theo nước mặn xâm nhập sớm, bao phủ và lấn sâu vào nội đồng. Những năm trước, hạn, mặn chỉ xảy ra trong 2 - 3 tháng (từ tháng 3 đến cuối tháng 5). Nhưng giờ hạn đến sớm hơn 3 tháng (hạn, mặn đầu tháng Giêng) và kéo dài. Mùa mưa dứt sớm, cùng với các đập thủy điện trên dòng Mê Công chính là tác nhân chính làm ĐBSCL phải gánh chịu đợt hạn, mặn vẫn còn đang diễn ra.

Theo phân tích của các nhà khoa học, lưu vực sông Mê Công có thể chia làm 2 phần: Thượng lưu nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và phần hạ lưu tính từ biên giới Lào - Trung Quốc trở xuống tới bờ biển Việt Nam. Tổng dòng chảy trung bình cả năm của dòng Mê Công là 475 tỷ m3, trong đó 16% đến từ Trung Quốc, 2% từ Myanmar và 82% là nước mưa ở hạ lưu, tức là tính từ Lào, Thái Lan, Campuchia, tới bờ biển Việt Nam. Các đập ở Trung Quốc là loại đập có hồ chứa lớn, khả năng trữ nước trong mùa mưa, xả nước trong mùa khô để phát điện. Sang mùa khô, lượng nước từ Trung Quốc có thể đóng góp đến 30% dòng chảy đo ở trạm Kratie (Campuchia). Thế nhưng, điều mà các nhà khoa học ở ĐBSCL đang lo lắng chính là: Trong tương lai, khi 11 đập thủy điện ở dòng chính hạ nguồn trên lãnh thổ Lào và Campuchia được xây dựng thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Các con đập này không có hồ chứa lớn, tích và xả nước phát điện theo ngày trong mùa nước, nhưng sang mùa khô từng đập này có khả năng lưu nước từ 3 ngày đến 3 tuần. Chuỗi đập này có khả năng làm đảo lộn thời gian nước về hạ lưu, gây sự xáo trộn lớn hơn khi nước phải đi qua tất cả các đập này. Ngoài ra, các đập thủy điện sẽ chặn phù sa xuống ĐBSCL, ảnh hưởng đến nguồn cá và sản xuất nông nghiệp. 17 triệu người Việt Nam sẽ phải trực tiếp chịu các hệ quả của môi trường mà các dự án năng lượng gây ra. Không chỉ có nông dân Việt Nam, nông dân các nước hạ nguồn như Lào và Campuchia cũng đang chịu nhiều thiệt hại của tác động môi trường liên quan đến dòng Mê Công. Vì thế, nhiều tổ chức, hiệp hội với số đông các nhà khoa học trong khu vực đang bày tỏ sự lo ngại và yêu cầu dừng việc xây dựng đập thủy điện trên dòng Mê Công, và mong muốn các nước có dòng chảy Mê Công đi qua chia sẻ nguồn nước một cách có trách nhiệm. Đó là việc làm cần thiết và lâu dài.

Các nhà khoa học ở ĐBSCL cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta cần nói rõ với khu vực và cả thế giới biết: Mỗi năm ĐBSCL sản xuất ra 1 triệu tấn cá tra (chủ yếu nằm ven sông Hậu, sông Tiền), 3 triệu tấn trái cây, 25 triệu tấn lúa. Các nông sản này không chỉ cung cấp cho khu vực châu Á mà nhiều nước trên thế giới”. Đây không phải là áp lực mà để thế giới biết; cư xử có trách nhiệm với nguồn nước trên dòng Mê Công, cư xử có trách nhiệm với nơi được xem là “vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản”, “bát cơm châu Á”.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo sử dụng hài hòa, hợp lý nguồn nước, các quốc gia có dòng Mê Công chảy qua cần phải ký kết một thỏa thuận chung về việc chia sẻ nguồn nước của dòng sông. Quản lý nguồn nước phải có sự phối hợp, chia sẻ và minh bạch trong thông tin; theo dõi lượng mưa, dòng chảy và chất lượng nước là điều cần thiết để hợp tác thực hiện và cần phải thảo luận thông tin về mùa khô, cơ chế hoạt động của các hồ chứa nước, trong trường hợp khẩn cấp hay khi có thay đổi trong vận hành các đập so với kế hoạch cũng phải chia sẻ thông tin kịp thời.


CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục