Nhân dịp Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) chuẩn bị kỷ niệm 13 năm thành lập, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, quanh các trục phát triển cho khu này là doanh nghiệp (DN) khoa học - công nghệ, thu hút đầu tư và liên kết sản phẩm theo chuỗi…
* PV: Thưa ông, DN khoa học - công nghệ trong SHTP có gì khác biệt?
* Ông LÊ HOÀI QUỐC: Định nghĩa về DN khoa học - công nghệ có thể hiểu ngắn gọn là các DN nắm được các tài sản sở hữu trí tuệ có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thực tế chứng minh nguồn vốn mà nhà nước hỗ trợ từ chính sách kích cầu đầu tư cho các DN khoa học - công nghệ của TPHCM đã giúp tạo ra giá trị gia tăng cao của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Kết quả hoạt động của các DN khoa học - công nghệ trong nước đầu tư vào SHTP khẳng định tầm quan trọng của chiến lược phát triển công nghệ cao quốc gia bằng các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm DN này, với mục tiêu là từng bước hình thành chuỗi cung ứng linh kiện, phụ kiện cho các sản phẩm công nghệ cao đầu cuối của các DN FDI là những tập đoàn toàn cầu như Intel, Samsung… Chính vì thế, có thể nói DN khoa học - công nghệ là hạt nhân nòng cốt phát triển Khu Công nghệ cao.
* Thu hút đầu tư vào SHTP còn có mục tiêu lớn hơn nếu so với cách thu hút ở bên ngoài?
* Trong giai đoạn đầu, ban quản lý đã lựa chọn mô hình Khu Công nghệ cao thế hệ thứ 2 - Nắm lấy cơ hội của “lực kéo thị trường” để đẩy mạnh phát triển nguồn cung. Chiến lược xây dựng SHTP xuất phát từ nhu cầu của các nhà đầu tư FDI ban đầu để vừa phát triển, vừa bồi dưỡng nhân lực. Đến giai đoạn hiện nay, SHTP tiếp tục chuyển đổi sang mô hình Khu Công nghệ cao thế hệ thứ 3 - Thúc đẩy sự giao thoa đa chiều giữa công nghệ và thương mại, giúp lan tỏa giá trị công nghệ ra các ngành khác. Nhờ đó, SHTP đã khẳng định vai trò thu hút vốn đầu tư so với các loại hình khu công nghiệp khác bằng tỷ lệ (1:14) giữa vốn nhà nước và vốn ngoài ngân sách. Tức là với 1 đồng vốn bỏ ra từ ngân sách thu hút được 14 đồng vốn đầu tư từ DN.
* Với Khu Công nghệ cao, liên kết sản phẩm theo chuỗi là hướng đi tốt nhất để phát triển DN?
* Từ thành công của các DN khoa học - công nghệ như Nanogen, United Healthcare… cho thấy luôn luôn có cơ hội cạnh tranh cho DN Việt trong thị trường quốc tế, khi biết sử dụng các tài sản trí tuệ để cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu. Những DN công nghệ cao như Công ty Nanogen, United Healthcare, GES… nắm được bí quyết công nghệ nên họ có thể quyết định được vai trò sản xuất và phân phối, được quyền quyết định sản xuất và lựa chọn những phân khúc, những thành phần có giá trị cao nhất trong toàn chuỗi giá trị để đầu tư có trọng điểm. Chính vì thế, tôi cho rằng liên kết sản phẩm theo chuỗi chính là sự bứt phá của chú bé hạt tiêu trước những gã khổng lồ.
* Nếu địa phương khác xây dựng khu công nghệ cao thì theo ông, cần chú ý những gì, thưa ông?
* Nhìn vào chặng đường phát triển và nhiệm vụ của SHTP có thể thấy vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong việc liên kết các nguồn lực, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cho các DN bản địa, đặc biệt là chú trọng đến hệ sinh thái được hình thành từ các DN khoa học - công nghệ kết nối với các DN FDI có thương hiệu hàng đầu thế giới. Giá trị của một khu công nghệ cao nằm ở chuỗi giá trị đem lại mà các DN có thể tham gia. Ở tầm nhìn quốc gia, mỗi địa phương cần có chiến lược liên kết với các khu công nghệ cao quốc gia để phát triển được chuỗi giá trị có tính cạnh tranh toàn cầu; cần có các chuỗi DN sản xuất có năng lực cạnh tranh trong các khu công nghiệp của mỗi địa phương hơn là nỗ lực xây dựng một khu công nghệ cao riêng cho địa phương của mình trong lúc nguồn lực tri thức của địa phương chưa sẵn sàng cho một không gian như vậy.
Xin cảm ơn ông!
BÁ TÂN