Trong khi vết thương của bão số 6 chưa lành thì cơn bão số 7 lại ập thẳng vào “tấm thân gầy” miền Trung. Và ngay khi cơn bão số 7 vừa tan thành áp thấp nhiệt đới vào trưa 30-9, có thể gây mưa lớn, lũ lụt trên đất liền, thì ngay sau đó vài phút, nhiều người dân lại không khỏi bàng hoàng khi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lại xuất hiện một cơn bão mới ở ngoài khơi và có thể đi vào khu vực biển Đông trong vài ngày tới với sức gió khá lớn.
Ai cũng cho rằng “gió mưa là bệnh của trời”. Bão lũ là thiên tai, thảm họa không ai mời đến! Nhưng có một sự thực là những hậu quả tang thương, thảm khốc của bão lũ lại một phần do chính lỗi của con người gây nên.
Trong cuộc giao ban trực tuyến giữa Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương với lãnh đạo các tỉnh vừa hứng chịu hậu quả của bão số 6 và chuẩn bị đối phó với bão số 7 do hai Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, nhiều quan điểm đã thẳng thắn chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân càng làm cho hậu quả lũ lụt trở nên nặng nề, khiến hàng chục ngàn gia đình lâm vào cảnh mất nhà mất cửa, mất cả người thân, tài sản hoa màu trôi theo dòng lũ… là do cả người dân và cơ quan, chính quyền cơ sở đều có tư tưởng chủ quan, thờ ơ với mưa lũ.
Trong khi đến nay, hầu như tỉnh nào, huyện nào cũng đều đã “vẽ” được bản đồ chi tiết về di dân khi có bão, lũ đến tận làng, xã với những phương án rất cụ thể như nếu có bão, lũ thì sơ tán dân đi đâu, ăn ở thế nào… nhưng thường là khi tai họa đến thì đều trở tay không kịp. Chính quyền cấp tỉnh thì chủ động hơn khi tổ chức đón bão lũ, nhưng lại thường mắc sai lầm là không kiểm tra, giám sát xem ở cơ sở làm thế nào?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ rõ thêm một nguyên nhân khiến lũ lụt ngày càng xuất hiện nhiều, trở thành mối đe dọa lớn, không chỉ gây thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn cướp đi không ít tính mạng người dân mỗi khi bão, lũ ập về, là do tình trạng phá rừng ngày càng diễn ra khá phổ biến và nghiêm trọng ở nhiều nơi trong cả nước cộng với tình trạng Việt Nam được xếp vào 1 trong 5 quốc gia có nguy cơ biến đổi khí hậu cao.
Lời cảnh báo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hoàn toàn chính xác. Thật đau lòng mỗi khi cứ giở báo ra lại bắt gặp những báo động về tình trạng chặt phá rừng vô tội vạ như những cái gai cứa vào mắt. Và nếu không tin thì cứ vào rừng là sẽ tận mắt bắt gặp cảnh rừng đang bị “chảy máu” từng ngày, từng giờ một. Bằng chứng là cứ sau mỗi trận lũ, cả rừng gỗ lớn đã được chặt hạ, róc xẻ, lại lũ lượt trôi từ thượng nguồn về hạ lưu. Chỉ riêng ở cái thôn nghèo Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường (Bát Xát-Lào Cai) xa xôi, bé nhỏ - nơi chỉ mới cách đây hơn 1 tháng, lũ quét ập về đã chôn vùi 21 người dân trong “hoang mạc đá” - người dân đã vớt được hàng trăm mét khối gỗ lớn mà “lâm tặc” chưa kịp tẩu tán. Trong đợt mưa sau cơn bão số 6 vừa rồi, người dân ở Lạng Sơn cũng vớt được hàng trăm mét khối gỗ trôi theo lũ sông Kỳ Cùng.
Trong khi hàng loạt cánh rừng đang lần lượt bị bóc trọc đi từng mảng thì cuộc chiến giữ rừng lại ngày càng thêm thảm khốc. Rất nhiều máu của cán bộ kiểm lâm đã đổ xuống để giữ rừng, giữ gìn sự sống! Mới đây nhất là một cán bộ kiểm lâm ở tỉnh Quảng Nam đã ngã xuống khi đuổi theo một lâm tặc chở gỗ lậu ngay trên quốc lộ 14E. Nhưng dường như cuộc chiến giữ rừng vẫn chưa thể kết thúc. Đó là một sự thực đáng báo động. Bởi thế, lũ lụt chính là cơn thịnh nộ của thiên nhiên để trừng phạt chúng ta.
Văn Phúc Hậu