Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương “kêu” các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đang gặp khó khăn do Hải quan đưa mặt hàng này vào xuất khẩu có điều kiện để kiểm soát. Vấn đề bắt nguồn từ việc Bộ Y tế xếp hồ tiêu vào nhóm dược liệu trong các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Dược. Do đó, khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hồ tiêu mở tờ khai xuất khẩu hồ tiêu thì bị xếp vào “luồng vàng”, tức bị Hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ, chứng từ thay vì là “luồng xanh” được miễn kiểm tra hàng hóa như trước. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp do chi phí gia tăng khi phải đi lại nhiều lần để xử lý tờ khai thông quan, chưa kể còn tiềm ẩn nguy cơ mắc Covid-19.
Đây không phải lần đầu một số gia vị quen thuộc bỗng được xem như dược liệu. Cuối năm 2020 gừng, tỏi, đậu, rau thơm… bị Bộ Y tế đưa vào nhóm dược liệu và quản lý như kinh doanh thuốc khiến việc xuất, nhập khẩu, sản xuất kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp trong lĩnh vực này bị đảo lộn, thậm chí tạm ngưng. Bất cập này vừa mới được xử lý, giờ đến lượt… hồ tiêu.
Đáng nói, những chuyện “bỗng dưng” như vậy xuất hiện khá nhiều trong các văn bản hướng dẫn của các bộ ngành. Câu chuyện về đất công xen cài trong các dự án bất động sản là một ví dụ. Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, quy định có đất công, dù chỉ là 1m2 xen cài trong các dự án, cũng phải đấu giá đã làm cho hàng ngàn doanh nghiệp bất động sản trên cả nước, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp bất động sản TPHCM mất nhiều năm với rất nhiều chi phí để hoàn thiện thủ tục đầu tư. Trong khi đó, trên thực tế, đất công xen cài trong nhiều dự án bất động sản thường nhỏ, hẹp, nằm rải rác trong các thửa đất của dự án và chủ yếu là các lạch nước nhỏ, rẻo đất cùng… mà chỉ có chủ đầu tư mới cần mua để hoàn thiện dự án. Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 8-2-2021 tháo gỡ khó khăn nêu trên cho doanh nghiệp, thế nhưng quy định vô lý này đã để lại hậu quả vô cùng lớn cho không chỉ doanh nghiệp mà còn cả xã hội.
Trong báo cáo gửi Chính phủ năm 2019 - khi mà bất cập về đất công xen cài chưa được tháo gỡ, TPHCM cho biết các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Hậu quả, tỷ trọng của ngành kinh doanh bất động sản trong tổng sản phẩm GRDP của TPHCM giảm từ 7,3% xuống 4,1%. Điều này còn kéo theo tăng trưởng của ngành xây dựng và nhiều ngành nghề liên quan khác giảm mạnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên dù được tháo gỡ bất cập về đất công xen cài nhưng thị trường bất động sản cùng hoạt động của nhiều ngành nghề liên quan vẫn chưa khởi sắc được.
Khi xây dựng quy định về đất công xen cài, cơ quan chức năng có cử cán bộ đi khảo sát thực tế? Nếu có, họ đã nhìn thấy thực tế ra sao để có thể đưa ra quy định bất cập như vậy? Trở lại vụ hồ tiêu còn đang chờ cơ quan chức năng tháo gỡ, Bộ Y tế có nắm thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam là các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam không có chức năng kinh doanh dược mà chỉ kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản? Ở nhiều thị trường nhập khẩu - nơi hồ tiêu được sử dụng như dược liệu, đặt ra các tiêu chuẩn rất khắt khe đối với mặt hàng dược liệu này và chưa có doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được. Nếu có, rõ ràng việc đưa hồ tiêu vào nhóm dược liệu là hoàn toàn vô căn cứ.
Tắc trách? Năng lực hạn chế hay cố tình làm khó doanh nghiệp? Câu hỏi rất cần được ngành chức năng trả lời. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp rất cần được trợ lực chứ không phải làm khó. Trả lời câu hỏi này cũng sẽ giúp ngành chức năng “sàng lọc” được cán bộ. Những người có năng lực hạn chế, làm việc tắc trách hay cố tình làm khó doanh nghiệp phải đưa ra khỏi bộ máy. Người dân, doanh nghiệp rất bức xúc khi gần như chưa thấy cán bộ gây ra những bất cập này bị xử lý, chế tài nghiêm khắc.