Tầm nhìn 2030 cho bóng đá Việt Nam

Sau thất bại tại SEA Games 2017 có nhiều hoài nghi về khả năng hoàn thành giai đoạn 1 của Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2013. Theo đó, một trong những mục tiêu của giai đoạn 2012-2020 là phải ít nhất vô địch AFF Cup hoặc SEA Games 1-2 lần và bóng đá Việt Nam phải nằm trong tốp 15 nền bóng đá mạnh châu Á. 

Nhưng, với sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo, chỉ trong khoảng thời gian gần 2 năm, 90% chỉ tiêu ấy hoàn thành một cách ngoạn mục. 

Thực tế thì mọi việc còn diễn biến thuận lợi hơn. Trong chiến lược được công bố 7 năm trước, không nhắc đến cụm từ “tham dự World Cup” cho mọi đội tuyển. Nhưng tính đến thời điểm này, chúng ta đã có 2 đội tuyển (U20 và futsal) giành quyền đá World Cup. Đội tuyển nữ cũng đã “chạm” đến cánh cửa ấy, và đặc biệt là đội tuyển bóng đá nam đang có cơ hội vào đến vòng loại cuối cùng của khu vực châu Á ngay tại kỳ World Cup 2022 này. Nghĩa là bóng đá Việt Nam có thể hoàn tất luôn “tầm nhìn 2030” trong một thời gian rất ngắn.

Nếu chỉ thông qua các con số nói trên mà vạch ra tầm nhìn, thì cũng giống như việc chúng ta đi đến giấc mơ bằng… đôi cánh. Thực tế, chiến lược phát triển bóng đá không đưa ra những chỉ tiêu một cách sơ sài. Đi kèm với các chỉ tiêu ấy, là những con số mang tính chất nền tảng. Ví dụ như phải đạt được số lượng cầu thủ trẻ (U11-U18) tập trung đào tạo chuyên nghiệp là 6.000 VĐV, số CLB phong trào phải đạt trên 10.000 đội, số trọng tài FIFA ít nhất cũng 30-50 người, hay đặc biệt hơn là số lượng học sinh, sinh viên đăng ký thi đấu bóng đá trong môi trường học đường phải đạt con số 1 triệu …

Đấy chính là cách để bóng đá Việt Nam có thể yên tâm đi đến World Cup bằng đôi chân chứ không phải chỉ đơn giản là “chắp đôi cánh mơ mộng” cho đội tuyển hiện nay do HLV Park Hang-seo dẫn dắt. Thành công hiện nay đã khẳng định việc đào tạo trẻ, phát triển các CLB chuyên nghiệp và công tác xã hội hóa bóng đá đúng đắn thế nào. Tuy nhiên, thực tế là ngoài thành công của đội tuyển, các con số mang tính nền tảng khác đều kém xa so với mục tiêu của chiến lược phát triển bóng đá. 

Đơn cử như số CLB được xem là chuyên nghiệp của Việt Nam hiện nay chỉ vào khoảng 20 đội. Cũng chỉ có 3/4 các CLB này tổ chức được những tuyến trẻ để dự những giải U quốc gia. Theo thống kê mới nhất, lứa tuổi U19 (bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp) hiện nay chỉ có khoảng 600 cầu thủ là ăn tập thường xuyên và mỗi năm họ cũng chỉ được thi đấu khoảng 10 trận chính thức. Nếu căn cứ vào các con số này, thì có thể nói là bóng đá Việt Nam đã “phá sản” các chỉ tiêu trong chiến lược đề ra.

Việc dự World Cup hiện nay không còn là điều gì đó quá xa vời với một nền bóng đá tiềm năng như Việt Nam. Nhưng cũng cần nhìn sang Thái Lan để có những bài học quý về việc “đốt cháy giai đoạn”. Bóng đá Thái Lan phát triển khá sớm, 2 thập niên đứng đầu Đông Nam Á với nền tảng rất vững vàng. Họ đã từng vào đến vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á đến 2 lần nhưng đẳng cấp của họ vẫn nằm ngoài tốp 10 châu Á. Vì thế, muốn thực sự có những bước đi chắc chắn để hiện thực hóa giấc mơ World Cup thì không thể chỉ cần đầu tư tài chính, giữ được HLV Park Hang-seo là xong, mà ngay từ bây giờ, bóng đá Việt Nam cần rà soát lại, bổ sung thêm các chi tiết mang tính nền tảng cho chiến lược và tầm nhìn mới. Không thành công ở kỳ World Cup này, chúng ta còn nhiều cơ hội ở các kỳ sau một cách rõ ràng và chắc chắn hơn.

Tin cùng chuyên mục