Trong khi giá xăng dầu giảm mạnh, giá phương tiện vận tải giảm một cách nhỏ giọt, vận chuyển hàng không rục rịch giảm, thông tin về giá điện chuẩn bị tăng gây không ít ngạc nhiên. Và, điều đó có thực sự hợp lý trong thời điểm này?
Theo các nguồn thạo tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang có dự định tăng giá điện lên 1.652,19 đồng/kWh - tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh). Mức giá này nằm trong khung giá quy định trong quyết định của Thủ tướng về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015. Năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể thấp nhất trong 10 năm gần đây: 11 tháng, CPI mới tăng 2,08% - và dự báo CPI cả năm chỉ dao động quanh ngưỡng 3%.
Bên cạnh đó, với việc EVN vẫn đang phải lỗ lũy kế đến khoảng 20.000 tỷ đồng nhưng chưa tăng giá năm 2014; giá điện của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực làm thất thu nguồn thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… thì xét về điều này, có vẻ như đây đang là thời điểm thuận lợi để giá điện điều chỉnh tăng.
Thế nhưng, vào bất cứ thời điểm nào việc tăng giá điện luôn mang đến câu hỏi về tính hợp lý. Trong cơ cấu sản lượng điện của Việt Nam, thủy điện chiếm gần 40%, còn lại là nguồn nhiệt điện, nguồn nhiệt điện tua bin khí, nguồn nhiệt điện dầu FO và dầu DO, điện nhập khẩu.
Còn trong tổng sơ đồ quy hoạch điện 7, với phương án cơ sở, dự kiến tổng công suất nguồn điện năm 2015 sẽ khoảng 42.500 MW (gấp hơn 2 lần năm 2010) với tỷ trọng 33,6% thủy điện, 35,1% nhiệt điện than, 24,9% nhiệt điện dầu và khí, khoảng gần 4% nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, sinh khối, mặt trời v.v..), còn lại khoảng 2,5% nhập khẩu.
Như vậy, có thể thấy, nguồn điện của Việt Nam đang có nhiều lợi thế về giá: đó là khai thác từ nguồn thủy điện và từ dầu vì lẽ giá dầu hiện nay đang giảm. Do đó, nếu xét trong điều kiện hiện nay, chi phí của nhà máy điện lẽ ra phải giảm và giá điện sẽ chưa nên điều chỉnh nếu xét theo yếu tố “thị trường” là giá đầu vào.
Thêm nữa, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm đến 12 lần, riêng giá xăng đã giảm 7.760 đồng/lít, tương đương khoảng 30% nhưng giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ giảm chưa tương ứng thì thông tin trên rõ ràng đã tạo ra phản ứng không đồng thuận. Giá xăng dầu giảm được xem là cơ hội để kích cầu tiêu dùng, đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Khi mà những tác động tích cực này chưa lan tỏa, nếu tăng giá điện thì chắc chắn cơ hội kích cầu sẽ bị bỏ lỡ.
Cũng cần nói thêm rằng, cơ hội này phải đánh đổi bằng tăng trưởng GDP, bởi giá dầu thô giảm trên thị trường thế giới (lý do khiến giá xăng dầu giảm) đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp có nguyên nhân lớn là do tồn kho lớn, nợ xấu cao, sức mua kém, tổng cầu giảm mạnh... Vì vậy, việc thực hiện lộ trình tăng giá lúc này là không nên. Cách điều hành này sẽ càng làm cạn kiệt sức mua, từ đó không có khả năng phục hồi sản xuất.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ Công thương, những mặt hàng nhạy cảm, trong đó có điện, cần phải công khai minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh trước khi điều chỉnh giá, vẫn chưa được thực hiện thì việc thuyết phục dư luận là không dễ. Khi những thông số đầu vào chưa được công khai, minh bạch thì dù ngành điện có lựa chọn thời điểm lạm phát cao hay thấp để điều chỉnh giá điện thì vẫn khó mà tạo sự đồng thuận trong xã hội (đặc biệt khi giá điện được điều chỉnh tăng mạnh đến 9,5% so với hiện hành).
Chính sự thiếu minh bạch ngay trong cách làm khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ, nhất là khi giá cả nhiều loại hàng hóa “tưởng” phải giảm nay lại tìm cách tăng. Và, việc lựa chọn tăng giá vào thời điểm cuối năm, khi người dân phải dồn tiền chi tiêu nhiều hơn thì việc tăng giá chắc chắn sẽ vấp phải tâm lý không đồng thuận từ người tiêu dùng, bởi điều đó sẽ đánh vào túi tiền người dân cũng như khả năng tiêu thụ hàng hóa.
HÀ MY