Bắt đầu từ hôm nay 1-3, giá điện sinh hoạt bậc thang chính thức được điều chỉnh tăng khoảng 6,8%; giá điện bán lẻ bình quân cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh tăng tương ứng 6,3% và 6,1%; giá điện giờ cao điểm sáng có mức tăng tối đa 4%. Các chuyên gia kinh tế nhận định mức giá mới này dự báo sẽ gây nên những tác động không nhỏ với sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh.
TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Lo ngại tâm lý người dân
Thực ra, thời điểm tăng giá điện 1-3 là chậm, bởi trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc năm 2009 để giá điện theo thị trường, nhưng do những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, chính sách kích cầu của Chính phủ nên kế hoạch này phải lùi lại. Tuy nhiên, theo tôi đã chọn tăng giá tháng 3 cũng nên đợi sau khi có công bố của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng. Như vậy sẽ tránh được một số hiệu ứng tâm lý do người dân đang đối mặt với sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa sau dịp Tết.
Về tính toán của Bộ Công Thương khi cho rằng tăng giá điện sẽ làm tăng CPI khoảng 0,16%, làm giảm tốc độ tăng GDP 0,34%, tôi cho rằng đó chỉ là những tính toán mang tính dự báo khi giá nguyên liệu đầu vào cố định. Đối với doanh nghiệp, việc tính toán ảnh hưởng hiện không chính xác và chưa được đề cập. Chẳng hạn, với doanh nghiệp làm 3 ca thì sao? Họ sẽ phải tính toán kỹ hơn mức độ ảnh hưởng, phụ cấp cho công nhân các ca có thể sẽ khác đi.
Bộ Công Thương, EVN cho rằng giá điện nước ta hiện nay vẫn thấp hơn giá điện một số nước (giá điện bình quân ở Brunei 6,2 cent/kWh, Campuchia 17 cent/kWh, Indonesia 6,77 cent/kWh, Singapore 13,07 cent/kWh. Thái Lan 8,5 cent/kWh... Việt Nam sau đợt điều chỉnh giá năm 2010, giá điện bình quân 5,54 cent/kWh - PV). So sánh như vậy chưa sát, bởi ta chưa đề cập đến giá thành tạo nên sản phẩm đó ra sao. Trong khi giá điện ở một số nước đã theo cơ chế thị trường, giá điện ở Việt Nam vẫn được Nhà nước bao cấp.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Tác động đến CPI và GDP
Do không biết cách tính các dữ liệu đầu vào của việc tăng giá điện nên khó có thể bàn cụ thể về mức tăng giá điện bao nhiêu là hợp lý. Tôi chỉ muốn trao đổi về thời điểm tăng giá điện. Theo lẽ thông thường, tháng 1, 2 giá cả thường tăng do trùng vào dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, các chỉ số kinh tế nói chung, lạm phát nói riêng của tháng 3 sẽ đưa lại một hình ảnh sát thực hơn để từ đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của tăng giá và việc điều hành chính sách. Theo tôi, giá điện nên tăng vào thời điểm hết tháng 3, vì khi đó các chỉ số kinh tế vĩ mô, trong đó có kiềm chế lạm phát sẽ rõ ràng hơn và đó là chỉ dấu quan trọng cho việc điều hành sắp tới.
Năm nay, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, kiềm chế lạm phát tăng dưới 7%. Với mục tiêu tăng trưởng GDP, tôi nghĩ sẽ đạt được nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ rất khó.
TS. NGUYỄN MINH PHONG, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội: Lo ngại “bão” giá
Việc tăng giá điện có thể làm cho CPI tháng 3 khó giảm hơn so với 2 tháng đầu năm. Với xu hướng đó, cộng với các yếu tố tiên định và bất định khác của thị trường trong nước và thế giới, mức CPI ôn hòa của năm 2009 sẽ chuyển hóa thành “bão” giá của năm 2010 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kế hoạch kiềm chế CPI năm 2010 của Chính phủ sẽ khó thực hiện được.
Thực tế cho thấy cần kết hợp đồng bộ giữa tiến độ thực hiện giá cả thị trường với tiến độ đảm bảo cạnh tranh thị trường. Nếu chỉ đẩy nhanh thực hiện giá cả thị trường trong khi ì ạch tiến trình cạnh tranh thị trường, chỉ có lợi cho doanh nghiệp cung ứng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ độc quyền. Hơn nữa, việc này sẽ “lợi bất cập hại” cho toàn bộ xã hội, môi trường kinh doanh và mục tiêu điều hành chung của Chính phủ.