Tăng kết nối, phát triển du lịch

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc khai thác tối đa thị trường du lịch nội địa thời kỳ hậu Covid-19, để khuyến khích người dân đi du lịch trong nước, vai trò đầu tàu của TPHCM trong khai thác du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước là hết sức quan trọng. 

Ngay sau khi Tổng cục Du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, lập tức hàng loạt địa phương trong cả nước đã tổ chức triển khai các gói kích cầu du lịch hậu Covid-19. TPHCM xác định tập trung vào các nhóm: Thứ nhất gồm TPHCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL, hiện đã được ký kết và triển khai, tạo ra các tour du lịch mới từ TPHCM đi các tỉnh, hỗ trợ nguồn nhân lực đào tạo cho các tỉnh. Sắp tới, khi tình hình dịch Covid-19 trong và ngoài nước được kiểm soát tốt, TPHCM sẽ kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho các địa phương. Đây là điều kiện bắt buộc phải có, tạo điều kiện cho du khách đến vui chơi, chi tiêu nhiều hơn ở những tour liên vùng. Đầu tháng 7 tới, TPHCM sẽ tổ chức sơ kết du lịch tại TP Cần Thơ để đánh giá hiệu quả sau 6 tháng ký kết hợp tác với 13 tỉnh, thành ĐBSCL, từ đó rút kinh nghiệm chung.

Nhóm thứ hai gồm TPHCM với các tỉnh khu vực Đông Nam bộ. TPHCM sẽ triển khai ký kết hợp tác với các tỉnh miền Đông trong hội nghị ngày 28-6 tới tại Tây Ninh, một trong những địa phương có thế mạnh đặc thù về du lịch. Với vai trò của mình, TPHCM sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa doanh nghiệp du lịch đến các tỉnh. Bản thân một số doanh nghiệp lữ hành cũng thông báo tình trạng thiếu sản phẩm mới, phải tự bươn chải, mày mò làm tour. Do vậy, việc kết nối tốt sẽ mở ra nhịp cầu để doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tạo tour, tuyến mới. 

Nhóm thứ ba gồm TPHCM với các tỉnh miền Trung, dự kiến mở đầu hợp tác bằng diễn đàn kích cầu du lịch. Nếu làm tốt, TPHCM dự tính sẽ triển khai nhân rộng kết nối đến các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc và Tây Bắc.

Kích cầu du lịch, là khi các địa phương phải tạo ra sự kiện, sản phẩm mới, điểm đến thú vị. Nếu không hành động ngay lúc này, thị trường du lịch sẽ khó phục hồi như kỳ vọng. Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đã có 100 doanh nghiệp của 13 tỉnh, thành ĐBSCL tham gia “Chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch Covid-19”. Đó là các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… giảm giá 10%-50%. Chương trình kích cầu được triển khai khắp các tỉnh, thành ĐBSCL; ưu tiên hợp tác, liên kết với TPHCM, trung tâm cụm phía Đông, phía Tây (TP Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang…) làm trọng điểm, phát huy vai trò các điểm du lịch tiêu biểu và vai trò hội viên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng chất sản phẩm du lịch có tính an toàn, hấp dẫn để kích thích nhu cầu du lịch của du khách. Trong kết nối với TPHCM, các tỉnh, thành ĐBSCL phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù, như phát huy tốt hơn các thế mạnh mà TPHCM và ĐBSCL đang có về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử; tăng cường chuẩn hóa, quốc tế hóa các nguồn tài nguyên du lịch. Đặc biệt là kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn, có sự gắn kết hơn giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ở mức phù hợp để phát triển du lịch địa phương.

Theo các hãng lữ hành, yếu tố hàng đầu hấp dẫn du khách hiện nay không chỉ là sản phẩm dịch vụ tốt mà là “Du lịch an toàn”. Bởi giờ đây xu hướng khách đi theo nhóm nhỏ là gia đình hay giới trẻ. Để kích cầu đối tượng du khách này, phải có mức giá ưu đãi, chi phí hợp lý, vận tải hàng không, đường bộ không chỉ cần giảm giá mà có thể giữ nguyên giá nhưng gia tăng chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp lữ hành không thể nào thực hiện giảm giá 20%-40% nếu không có sự chung sức của các điểm lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển. Từ cuối tháng 6, ngành hàng không đã tích cực tham gia chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với hàng loạt đường bay nội địa mới, kết nối các điểm đến lý tưởng trong nước.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ gây tổn thất 300 - 450 tỷ USD đối với hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2020. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Du lịch, thiệt hại 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4-2020) đã xấp xỉ 8 tỷ USD. Hiện nay, diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, nên hệ lụy này sẽ còn kéo dài. Từ các chương trình tăng kết nối, phát triển du lịch của TPHCM với các tỉnh, thành trong cả nước, du lịch nội địa sắp tới chắc chắn sẽ khởi sắc!

Tin cùng chuyên mục