Tăng khả năng phòng vệ

Thông báo gần đây của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Tokyo đang cân nhắc kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến (THAAD) của Mỹ.

Với tuyên bố này, Nhật Bản sẽ là nước thứ hai trong khu vực Đông Á triển khai THAAD sau Hàn Quốc. Theo tờ Yomiuri, dự kiến vào ngày 11 đến 12-12, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada sẽ đến một căn cứ quân sự tại Guam để thị sát THAAD. Tokyo cũng đã thiết lập một phái đoàn nghiên cứu ưu điểm và nhược điểm của THAAD, dự kiến có kết quả vào hè năm 2017. Nhật Bản hiện có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hai lớp gồm SM-3, đánh chặn tên lửa trên không và PAC-3 nhằm vào tên lửa gần mặt đất. THAAD được cho là có khả năng đánh chặn tên lửa ở cả trong lẫn ngoài bầu khí quyển Trái đất. Hệ thống tên lửa THAAD cũng có độ chính xác cao và có phạm vi phòng thủ rộng hơn hẳn hệ thống tên lửa đánh chặn tên lửa đất đối không PAC-3.

Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada khẳng định, việc cân nhắc triển khai THAAD trên lãnh thổ nước này nhằm tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia trong việc đối phó với các mối đe dọa liên quan tới tên lửa đạn đạo có thể xảy ra. Theo giới quan sát, động thái này của Nhật Bản còn muốn gửi thông điệp đến quốc gia đang trở thành mối đe dọa như Triều Tiên. Trong kế hoạch quốc phòng 2019 - 2023 của Nhật Bản ban đầu không hề có việc mua thêm tên lửa phòng không, tuy nhiên, trước việc Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo trong năm nay, giới chức Nhật Bản phải cân nhắc ngay đến những biện pháp phòng vệ mới.

Việc Mỹ công bố kế hoạch triển khai THAAD tại Hàn Quốc đang trở thành điểm nóng gây tranh cãi trong khu vực cũng như phản ứng từ Trung Quốc và Nga. Tương tự, sau thông tin cân nhắc đưa THADD vào hệ thống phòng thủ quốc phòng của Nhật Bản, Trung Quốc đã có những tuyên bố phản đối. Tờ Diplomat cho rằng sau Hàn Quốc, việc triển khai hệ thống này tại Nhật Bản sẽ gây ra căng thẳng trong khu vực Đông Bắc Á.

Dễ hiểu bởi khi THAAD được triển khai trên lãnh thổ Nhật Bản, hệ thống này có thể vươn tầm hoạt động về phía Trung Quốc. Tháng 8 vừa qua, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên nhất trí chia sẻ các thông tin, dữ liệu thu được từ hệ thống THAAD dự kiến triển khai tại miền Nam Hàn Quốc. Động thái này đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn lập trường của Hàn Quốc về việc chia sẻ thông tin, bởi từ trước đến nay, nước này chưa từng có ý định hợp tác với Nhật Bản. Tuy là đồng minh của Mỹ tại Đông Á nhưng quan hệ giữa Tokyo và Seoul vốn không mấy êm thắm, thì nay với việc cùng triển khai THAAD, khả năng hợp tác giữa hai bên sẽ tạo thành liên minh Mỹ-Nhật-Hàn chặt chẽ hơn. Động thái của Nhật Bản cũng được cho là gửi thông điệp đến Nga sau khi Mátxcơva vừa đưa vào hoạt động hệ thống tên lửa đối không và chống tàu chiến trên quần đảo đang gây căng thẳng giữa hai bên mà phía Nga gọi là Kuril (Nhật Bản gọi là lãnh thổ phương Bắc).

Trong tuyên bố của mình, Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định nước này không có ý định ngay lập tức triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD với lý do nêu ra là nếu THAAD được triển khai sẽ tiêu tốn hàng tỷ yên. Với ngân sách ban đầu không dành chi cho THAAD thì Chính phủ Nhật Bản nhiều khả năng buộc phải tính toán lại để cân đối nguồn kinh phí dành cho quốc phòng.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục