Tăng nội lực, giữ niềm tin

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài nhiều năm qua đã khiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong nước lâm vào cảnh khó khăn. Sức đề kháng của cộng đồng doanh nghiệp cứ giảm dần qua từng giai đoạn. Nhiều doanh nghiệp lẫy lừng một thời đã phải chấp nhận đóng cửa nhà máy, tuyên bố phá sản hoặc để doanh nghiệp “chết lâm sàng”, nợ nần chồng chất.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá sản hàng loạt, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là tình trạng bế tắc đầu ra, hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp cần vốn thì không tiếp cận được, còn doanh nghiệp tiếp cận được lại không cần vốn vì có vay cũng chẳng biết làm gì.

Tiếp xúc với một số lãnh đạo doanh nghiệp, điều dễ nhận thấy nhất là niềm tin vào thị trường và khả năng phục hồi của doanh nghiệp đang ở mức thấp. Một số giám đốc doanh nghiệp cho biết chưa bao giờ họ… rảnh rỗi như bây giờ, bởi từ đầu năm tới nay chẳng có hợp đồng nào được ký. Vì thế, nhiều doanh nghiệp buộc phải sa thải công nhân, chấp nhận cho nhân viên làm việc cầm chừng với hy vọng khá mong manh.

Trong khi đó, một cuộc “lấn sân” đã và đang diễn ra trên quy mô lớn suốt nhiều năm qua. Dạo quanh các siêu thị, trung tâm thương mại, điều dễ nhận thấy là hàng Việt ngày càng lép vế trước sức “tấn công” của các thương hiệu nước ngoài. Từ dao cạo râu, kem đánh răng, dầu gội đầu đến các loại thực phẩm khô, hàng trang trí… đều mang thương hiệu nước ngoài. Thực tế, có không ít sản phẩm thực chất là hàng Việt nhưng mang mác ngoại cho…sang, nhưng có rất nhiều thương hiệu thuộc quyền sở hữu hoàn toàn hoặc một phần đáng kể của các đại gia trong lĩnh vực kinh doanh thương mại quốc tế.

Những cuộc xâm nhập của hàng ngoại vào thị trường Việt Nam đã từng được cảnh báo nhiều năm trước. Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc phát huy các thế mạnh của hàng Việt, cố gắng từng bước xây dựng niềm tin và trách nhiệm của người Việt đối với hàng Việt… Nhưng dường như các nỗ lực đó chưa thật sự đủ mạnh để tạo thế phòng thủ vững vàng của hàng Việt trước “cơn lốc” hàng ngoại.

Nhiều người cho rằng, tâm lý chuộng hàng ngoại của một bộ phận không nhỏ người Việt là một trong những điều kiện thuận lợi để các mặt hàng ngoại ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Nhưng xét cho cùng, nếu hàng ngoại có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, hậu mãi tốt thì việc được ưa chuộng cũng là điều bình thường trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn!

Thách thức hàng đầu đối với hàng Việt là làm sao phải nâng cao chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, hậu mãi đảm bảo. Nếu hàng Việt đáp ứng được các yêu cầu đó của người tiêu dùng, chắc chắn nó sẽ có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người Việt mà chẳng cần có quá nhiều nỗ lực vận động, tuyên truyền. Lúc đó, nếu chúng ta trách những người có tâm lý thích hàng ngoại cũng không phải là quá… oan.

Hàng Việt phải do doanh nghiệp Việt tạo ra. Nhưng trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đối diện với quá nhiều khó khăn như hiện nay, chưa vội nói đến những sản phẩm mới “Made in Vietnam”, liệu các mặt hàng ra đời đã lâu và đã tạo được thế đứng có thể duy trì vị thế trong tương lai?

Câu hỏi này ngày càng lớn và trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết khi các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ngày càng trở nên phổ biến. Với một số tiền không quá lớn lúc nền kinh tế đang hưng thịnh nhưng lại rất quan trọng lúc khó khăn như hiện nay, nhiều chủ thương hiệu Việt đã phải “bấm bụng, xoa tay” bán đi những thương hiệu mà mình đã gian nan gầy dựng.

Khoan hãy phán xét ai đúng, ai sai trong “cuộc cờ” thương hiệu khốc liệt này, bởi nhiều quyết định được đưa ra trong những tình thế không ai mong đợi. Nhưng điều dễ thấy nhất là sau mỗi sáng mai thức dậy, những ông chủ ngoại quốc đã chễm chệ trên những chiếc ghế cao nhất và điều hành doanh nghiệp Việt bằng một phong cách văn hóa khác biệt. Nền kinh tế rồi sẽ còn đối diện với không ít khó khăn, dù mai kia khủng hoảng sẽ đi qua bởi những hệ lụy từ hôm nay. Quả thật, không chỉ là một quốc gia mà ngay cả một cá nhân, nếu không có nội lực, làm sao dám mơ đến một tương lai tươi sáng.

Trong khó khăn càng phải giữ vững niềm tin, khơi động khát khao, tăng cường nội lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Một khi doanh nghiệp Việt đứng vững trên đôi chân của mình, hàng hóa mang thương hiệu Việt không chỉ có mặt trong các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trong nước mà còn vươn tầm ra khu vực và thế giới. Điều đó không phải là một giấc mơ mà có thể trở thành hiện thực trong tương lai, nếu chúng ta quyết không lùi bước!

TÔ NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục