Câu chuyện hội nhập

Tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa, ai thiệt?

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chính thức đề nghị tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa để bảo hộ ngành chăn nuôi bò sữa trong nước, trong tình hình giá nguyên liệu nhập khẩu đang giảm rất thấp. Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng đã dấy lên dư luận phản ứng từ người tiêu dùng, vì chắc chắn với mức thuế này giá sữa tiêu dùng trong nước sẽ tăng cao. Người tiêu dùng sẽ là người bị thiệt thòi đầu tiên.

Thế nhưng, xuất phát điểm là để bảo vệ nông dân nuôi bò sữa cũng có cái lý của nó. Bởi năm ngoái, khi cơn bão melamine lướt qua, nhiều doanh nghiệp đã không thể tiêu thụ sản phẩm, giảm mua sữa tươi nguyên liệu, giá sữa tươi từ bình quân 7.000-7.500 đồng/lít, thậm chí có nơi mua tới 8.000 đồng xuống còn 6.000-6.500đồng/lít. Thế nhưng, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu chỉ có 4.000-4.200 đồng/lít, do vậy nhiều doanh nghiệp hướng về việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Thực trạng này đã được Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cảnh báo và đề nghị sẽ phải xem xét đến khả năng giảm giá thu mua sữa bò tươi nguyên liệu từ nông dân.

Ngày 15-1-2009, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk, đã có công văn gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí nói rõ, giá sữa trên thế giới đang giảm mạnh, trung bình 60%; nguyên liệu thức ăn gia súc giảm 30%-40% so với đỉnh cao vào tháng 7-2008. Với quan điểm giúp nông dân vượt khó, Vinamilk đã mua nguyên liệu bị dư thừa ở phía Bắc với giá không giảm nên buộc phải giảm lãi. Tuy nhiên, bà Mai Kiều Liên cũng nêu rõ, tình hình giá sữa và nguyên liệu sữa nhập khẩu vào Việt Nam bán thấp hơn thì Vinamilk cũng phải giảm giá bán để cạnh tranh, vì thế phải giảm giá mua nguyên liệu trong nước, bảo vệ người tiêu dùng.

Chuyện giá lên phải bán lên, giá xuống bán xuống là phù hợp với cơ chế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để bảo vệ người nông dân, việc tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu cao hơn nhiều lần, có loại tăng từ 7% lên 34%, có loại thấp nhất thuế từ 3% tăng lên 10%... sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước tính toán để thu mua sữa tươi nguyên liệu trong nước. Có điều, trong nước mới sản xuất được 28% nhu cầu nguyên liệu sản xuất, 72% nhu cầu còn lại phải nhập khẩu, thì ai cũng thấy người thiệt hại nhiều nhất là hàng triệu người tiêu dùng.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sữa trong nước vẫn thấp hơn ít nhất 3 lần so với thế giới, và để cải thiện sức khỏe cộng đồng, việc tăng mức tiêu dùng lên ngang với mức bình quân thế giới là cần thiết. Thế nhưng, với mức tăng thuế nhập khẩu lần này, dù vẫn còn nằm trong lộ trình giảm thuế WTO cho phép, nhưng sẽ đưa mặt hàng tiêu dùng sữa trở nên đắt giá, nhiều cháu bé có nguy cơ khó tiếp cận nguồn sữa trong điều kiện kinh tế suy thoái, khả năng mất việc làm của người lao động rất cao.

Vấn đề chính là cần giúp người nông dân chủ động hội nhập, dù giá lên hay xuống, bằng việc đầu tư để tăng năng suất và chất lượng sữa sản xuất trong nước, thông qua việc đầu tư con giống tốt, quy trình chăn nuôi, chăm sóc, vắt sữa và bảo quản; đầu tư phát triển ngành chế biến thức ăn gia súc với giá thành thấp... để giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Chỉ có con đường này mới có thể phát triển ngành chăn nuôi bò sữa trong nước cung cấp nguyên liệu thay thế nhu cầu nhập khẩu, nhanh chóng đáp ứng đến 50% nhu cầu sản xuất trong nước.

Hoàng Quân

Tin cùng chuyên mục